BP - Chiều 21-11-2019, tại kỳ họp thứ 8, với 442/446 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, đạt 91,51%, Luật Thư viện đã được Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua. Luật này gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Theo đó, thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập và thư viện ngoài công lập.
So với pháp lệnh hiện hành, Luật Thư viện có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Thứ nhất là trong nội dung của Luật Thư viện đã quy định rõ: Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản. Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.
Thứ hai là Luật Thư viện đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, trong đó điểm nổi bật nhất là luật mới đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm. Theo đó, người sử dụng là đối tượng được hướng tới trong mọi hoạt động của thư viện. Đồng thời, Luật Thư viện đã có những điều khoản quy định rõ việc người dân có quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Cụ thể, tại Điều 43 của luật này có quy định trong các thư viện công lập, tổ chức, cá nhân sử dụng thư viện có quyền sau đây: Được miễn phí khi sử dụng các dịch vụ sau: đọc tài liệu tại thư viện, mượn có thời hạn; tra cứu tìm thông tin về tài liệu trên mạng internet; tiếp nhận thông tin về tài liệu thư viện thông qua bộ máy tra cứu, hoặc các hình thức thông tin, tra cứu khác; tiếp nhận sự giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn về sử dụng thư viện...
Thứ ba là Luật Thư viện khẳng định rõ vai trò của thư viện trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Và như mọi người đã biết, đối với các cơ sở giáo dục nói chung, các trường đại học nói riêng, thư viện luôn là một bộ phận không thể thiếu. Vì thế, việc tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho ngành thư viện sẽ có những tác động tích cực giúp các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học tìm kiếm thêm nhiều cơ hội cho việc phát triển thư viện, nhằm phục vụ người học tốt hơn.
Thứ tư là vấn đề liên thông các thư viện đã được đề cập trong luật này và đây là một bước tiến mới mở ra những khả năng hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện, các trường đại học với nhau, các quốc gia, tổ chức... Bởi, trong thời đại 4.0 hiện nay, xu thế phát triển thư viện điện tử là tất yếu, vậy nên việc liên thông các thư viện lại càng trở nên cần thiết. Vì nó sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với cả người dạy và người học khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Luật Thư viện ra đời là một động lực lớn, giúp thúc đẩy sự phát triển, mở ra những hướng mới cho ngành thư viện trong tương lai. Hy vọng rằng, hoạt động của các thư viện sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, dịch vụ ngày càng phong phú hơn, lượng thông tin đến bạn đọc dồi dào hơn và thực sự mang lại nhiều hữu ích cho người đọc.
H.B
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065