BP - Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 21-2, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã xin ý kiến về vấn đề đào tạo và tuyển dụng giáo viên. Một trong ý kiến thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt hàng vạn giáo viên trong cả nước, đó là ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, giáo viên là một nghề đặc thù, cần ưu tiên như lực lượng vũ trang, tuyển sinh đầu vào theo cách của quân đội là tốt nhất. Nhu cầu của ngành giáo dục cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu, ra trường là sắp xếp công việc, không phải thi công chức, đã đi học sư phạm là có việc làm...
Quan điểm này đã nhận được rất nhiều ý kiến và không ít ý kiến trái chiều. Thậm chí có ý kiến cho rằng, phương pháp tuyển dụng và sử dụng giáo viên như thế, không khác gì “quân sự hóa” ngành giáo dục. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chỉ có cách đó mới không còn tình trạng hàng vạn người được đào tạo làm thầy, nhưng lại đi làm thợ ở các khu công nghiệp; không còn tuyển sinh để đào tạo giáo viên mà đầu vào mỗi môn chỉ 3 điểm...
Ở góc độ đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo, ưu điểm lớn nhất của các trường thuộc lực lượng vũ trang là sai số chỉ tiêu rất thấp, tức là cần bao nhiêu và lĩnh vực nào thì đào tạo bấy nhiêu cho lĩnh vực ấy. Người học được bao cấp toàn phần và cũng bị ràng buộc học xong phải chấp hành phân công, điều động về đơn vị trong ngành, cũng có nghĩa về nguyên tắc không phải xin việc làm.
Tại các trường dân sự, cụ thể là trường sư phạm không có điều kiện đó. Chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GD-ĐT tính toán trong cả nước, rồi giao cho từng trường. Còn người học, khi ra trường bước vào thị trường lao động, có sự cạnh tranh quyết liệt từ chính đồng môn và cả những người không được đào tạo làm giáo viên, mà từ các ngành khác nhưng học thêm một số tín chỉ lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm...
Tốt nghiệp các trường vũ trang không phải đi xin việc nhưng phân công về đơn vị cũng là mệnh lệnh buộc phải chấp hành. Tốt nghiệp trường dân sự, phải đi xin việc, nhưng được tự do dự tuyển vào tất cả các trường, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, thậm chí không thích thì ở nhà bán cà phê mà không sợ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo... Cái nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và tùy từng trường hợp cụ thể mới biết như thế nào thì tốt hơn. Không phải người nào có việc làm ngay cũng tốt hơn người chật vật xin việc. Ví dụ như lương trong lực lượng vũ trang phải đúng ngạch bậc, quân hàm, chức vụ... được quy định rất rõ ràng. Nhưng dân sự, với người giỏi, khi có việc làm hoặc tự tạo việc làm, thì thu nhập khó xác định.
Đào tạo theo chỉ tiêu cố định hay phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường, của xã hội đều có những ưu, nhược điểm nhất định và mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khác nhau cũng có ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Song đối với dân sự, thì nghề giáo cũng như mọi lĩnh vực lao động trong đời sống xã hội, cần có sự cạnh tranh mới phát triển, đặc biệt là trả lương bình đẳng theo năng lực, theo kết quả và chất lượng lao động. Còn bình đẳng theo kiểu cào bằng “cá mè một lứa” như hiện nay, không những không tạo ra, mà còn triệt tiêu động lực, đồng thời là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề trên bục giảng cũng như bất kỳ lĩnh vực lao động nào khác.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065