MỖI HỘ ĐÓNG GẦN 20 TRIỆU ĐỒNG
Nhiều năm nay, con đường đi qua tổ 6, ấp Thanh Bình luôn lầy lội lúc mưa xuống và bụi mù khi mùa khô về. “Con đường đau khổ” ấy không những ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân, trẻ em đi học mà còn cản trở việc sản xuất - kinh doanh của nhiều hộ dân. Từ khi có chủ trương làm đường theo hình thức nông thôn mới, nhân dân trong vùng, nhất là 13 hộ dân ở hai bên đường đồng tình ủng hộ.
Máy trộn bê tông đang gặp sự cố, 13 “công nhân làm đường” tranh thủ thư giãn
Ông Nguyễn Đăng Thuận, Bí thư chi bộ ấp Thanh Bình cho biết: “Tổ có hơn 13 hộ sống hai bên đường nên việc huy động đóng góp cũng khó khăn. Sau 4-5 lần họp dân mới thống nhất được phương án, mỗi hộ đóng gần 20 triệu đồng, các hộ nghèo, khó khăn đóng 50%. Đồng thời các hộ phải góp công để làm nhằm giảm chi phí. Khao khát một con đường sạch đẹp từ lâu nên hầu hết nhân dân trong tổ đều hăng hái”.
Chị Phạm Thị Bình cho biết: Tổ ít người nên chúng tôi chấp nhận đóng tiền cao và tự bỏ công ra làm để mong sớm có con đường bê tông đi lại. Vừa mới thoát hộ nghèo, chị Lều Thị Hằng vẫn đồng tình đóng góp 50% (gần 10 triệu đồng) để cùng làm đường bê tông mới. Chị Hằng chia sẻ: Mặc dù tôi phải đi vay số tiền trên nhưng cảm thấy rất vui vì có đường, con cái đi học thuận tiện, không phải lội bùn, hứng bụi như trước. Từ ngày khởi công con đường tới nay, tôi chưa vắng buổi lao động nào.
ĐƯỜNG LÀM TỚI ĐÂU, ĐIỆN NƯỚC PHỤC VỤ TỚI ĐÓ
Không chỉ ủng hộ các chủ trương, phương án của Ban điều hành ấp đưa ra, nhân dân tổ 6 còn trực tiếp bàn bạc, tự làm và kiểm tra, giám sát công trình. Theo ông Thuận, khi được Nhà nước hỗ trợ cát, đá, xi măng, người dân trong tổ đã khẩn trương thực hiện. Hơn 1 tuần, 13 hộ dân trong tổ đã làm được trên 100m đường bê tông.
Ông Nguyễn Đăng Thuận cho biết thêm: Con đường dài 800m, mặt bê tông rộng 3m, hai bên có mương thoát nước... Kinh phí dự trù khoảng 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp.
|
Bà Đào Thị Duyên (50 tuổi) cho biết: “Chúng tôi không chỉ ủng hộ chủ trương của cấp trên, quyết tâm làm đường mới mà còn sẵn sàng phục vụ điện, nước miễn phí cho đội thi công. Đường làm tới đâu, điện nước sẵn sàng tới đó”.
Ai cũng nâng cao ý thức đẩy nhanh tiến độ con đường nên dù bận rộn vụ thu hoạch nhãn mọi người cũng sắp xếp để làm đường. Bà Hoàng Thị Tuất (ngoài 60 tuổi) chồng đang bị bệnh phải điều trị tại TP. Hồ Chí Minh cũng sắp xếp về phục vụ đội thi công. Bà Tuất cho biết: Khi họp, chúng tôi đã thống nhất đường làm qua hộ nào thì hộ đó phục vụ điện và nước. Hôm nay, tôi tranh thủ dậy sớm nấu nồi nước chè xanh và chuẩn bị bình nước đá lớn để ai có nhu cầu thì phục vụ.
C.L
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065