Cùng với thời điểm Hiến pháp có hiệu lực, Thủ tướng đã có bài viết chuyển tải thông điệp năm mới đến với người dân. Trong cuộc gặp mặt đầu năm 2014 do báo Tuổi Trẻ tổ chức (sáng 4-1), các chuyên gia đã phân tích nhiều góc cạnh về những vấn đề đặt ra trong thông điệp này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu tại buổi tọa đàm
Các chuyên gia đều nhận định rằng phải thực tâm đổi mới và đồng lòng hành động từ những người lãnh đạo đến dân thường thì mới vượt qua được những khó khăn hiện tại.
Đổi mới thể chế cần có cú hích
Mở đầu cuộc gặp mặt, TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nói: Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây nên sự chú ý đặc biệt trong dư luận.
Nhiều báo đăng toàn văn, trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã có bình luận của ông Vũ Mão, TS Lê Thẩm Dương, TS Vũ Viết Ngoạn, TS Cao Sỹ Kiêm, GS Nguyễn Quang Thái...
Phân tích nội dung thông điệp của Thủ tướng, TS Doanh cho rằng: Thủ tướng nhận định động lực cải cách không còn phát huy tác dụng, không đủ mạnh nên cần đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong đó nêu lên cần phải mở rộng quyền của người dân được tham gia xây dựng chính sách, thực hiện quyền của dân để bầu cử trực tiếp.
Thủ tướng cũng xác quyết dân chủ đi đôi với nhà nước pháp quyền nên người dân có quyền tiếp cận thông tin, giám sát, có tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện công lý, lẽ phải.
Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện cơ chế thị trường, Nhà nước không làm thay mà phải kiến tạo sự phát triển, tức Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và xã hội thực hiện những chức năng mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước.
Và thông điệp của Thủ tướng đặt yêu cầu phải có cạnh tranh bình đẳng, xóa độc quyền doanh nghiệp. Cuối cùng, Thủ tướng kết luận khó khăn là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ hơn.
Là người từng làm việc trong bộ máy nhà nước, ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nói: “Cần phải đổi mới từng bước, không thể vội vàng”.
Trong khi đó, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Xã hội chúng ta trì trệ lâu như thế này, nếu đổi mới từ từ thì không bao giờ đổi mới được. Ít ra phải có một cú hích mạnh, một xung lực mạnh mới thoát ra khỏi sự trì trệ được”.
Đồng tình với GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A phân tích thêm: “Muốn chuyển sang trạng thái khác thì cần phải tìm một điểm để kích vào đó. Cái điểm để lật trạng thái là tạo dựng niềm tin cho người dân. Điều quan trọng là tính tích cực của người dân và trí thức."
Theo ông Quang A, không nên chờ đợi Quốc hội, Chính phủ ban cho người dân quyền này quyền kia, mà những quyền ấy đã có trong Hiến pháp thì người dân chủ động thực hiện, chủ động nêu ý kiến, sáng kiến. Nếu làm được như vậy thì việc đổi mới sẽ nhanh chóng, tích cực, không thụ động.
Thúc đẩy thực hiện thông điệp
GS Chu Hảo - nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức - bình luận: "Thủ tướng đã tuyên bố với toàn dân tinh thần cốt lõi của pháp luật: người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Pháp luật không thể ngăn cấm những gì đã được ghi trong Hiến pháp. Vậy thì người dân phải được thực thi ngay các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội... mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia, không phải đợi các luật cứ bị treo mãi nữa.
Đồng thời dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vượt qua nỗi sợ hãi tố cáo người của công quyền làm trái quy định của luật pháp.
Ngoài ra, thông điệp của Thủ tướng cũng cam kết những điều hệ trọng khác như: thực thi các quyền dân chủ trực tiếp để đảm bảo hiệu quả dân chủ đại diện, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, xây dựng và sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp... Toàn là những điều nhân dân khát khao, chờ đợi được thực thi, nhưng cũng biết là chẳng mấy dễ dàng”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - phân tích: “Năm 2020, nước ta có 45 triệu người ở tầng lớp trung lưu. Với chừng ấy người trung lưu, nền tảng xã hội sẽ khác. Ngoài ra còn sức ép tích cực từ hội nhập quốc tế cho nên đổi mới là đương nhiên”.
Theo ông Sĩ Dũng, việc đổi mới hoàn toàn có thể thực hiện trên cơ sở Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có khá nhiều điểm mới.
“Tôi cũng nói rất thật rằng mặc dù tôi là người không biểu quyết nhưng phải nói những gì mới đưa vào Hiến pháp là không nhỏ” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, khẳng định.
Ông cho biết: “Sau khi Hiến pháp được thông qua, tôi tham gia một số ủy ban, việc đầu tiên là triển khai trên cơ sở pháp luật. Có nhiều quy định mà Hiến pháp có rồi nhưng vẫn treo ở đó. Giờ ta cố gắng thúc đẩy để thực thi Hiến pháp và xây dựng các luật. Ví dụ: Luật biểu tình có từ năm 1946 nhưng vẫn treo ở đó. Chắc chắn lần này phải có. Luật báo chí nhiều điều đã bất cập rồi thì lần này cần phải đưa ra. Quan trọng nhất là thể chế vì gắn với dân chủ, quyền của người dân”.
“Tôi tán thành ý kiến của anh Sĩ Dũng” - giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa minh triết Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ban Dân vận trung ương, nói.
Ông Mai phân tích: “Thể chế, nhà nước pháp quyền, thị trường và nông nghiệp là bốn vấn đề bức xúc hiện nay. Chúng ta phải bàn, không chỉ bàn về thông điệp của Thủ tướng mà bàn với dân để mọi người đều hiểu, thúc đẩy thực hiện thông điệp”.
Là người tham gia chuẩn bị thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Đình Tuyển - nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, nay giữ vị trí trưởng nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ - cho rằng: không phải điều gì trong thông điệp của Thủ tướng đề cập đều có thể làm được ngay mà đó là những vấn đề cần phải làm. Và để làm được là cả một quá trình, trước hết là đổi mới thể chế kinh tế, ít nhất là dân chủ hóa kinh tế.
Nếu đổi mới thật sự, chúng ta sẽ phát triển rất nhanh GS Đặng Hữu - nguyên trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường - nhận định: “Tư duy quản lý của VN hiện nay đã quá lạc hậu, không theo kịp thời đại. Không phải là chúng ta không nhận ra những vấn đề tồn tại, mà đã nhìn nhận được vấn đề từ lâu rồi nhưng không làm được. Ví dụ chống tham nhũng nhìn ra vấn đề từ lâu rồi. Tất cả mọi thứ đều bị thể chế trói buộc, không đổi mới thể chế thì không thể thoát ra được. Trung Quốc hướng đến xã hội hài hòa - hiện đại - phát triển. Người ta xác định là để tiến tới điều đó thì không thể làm như lâu nay được. Chúng ta nói Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là đúng rồi. Nhưng Đảng đừng có cái gì cũng làm thay, rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Xã hội như vậy thì phát triển sao được. Không còn cách nào khác, phát triển phải dựa vào năng lực con người, dựa vào sáng tạo. Cách phát triển hiện nay của ta đang làm suy kiệt của cải quốc gia. Càng tăng GDP thì càng tăng lạm phát, người dân được bao nhiêu. Dân tộc ta thông minh, hiếu học, tiếp thu công nghệ rất nhanh. Nếu có đổi mới thật sự, thể chế hợp lý thì chúng ta sẽ phát triển rất nhanh”. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065