Thời gian qua, tỉnh luôn xác định, muốn thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp (DN) đến Bình Phước hoạt động, nhất quyết phải kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, có được lợi thế so sánh với các địa phương khác. Đồng thời coi cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá, là điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và nhận được sự đánh giá rất cao từ cộng đồng DN trong và ngoài nước.
Để hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “… Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh bãi bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, DN. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử”. Bám sát chủ trương này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước cải thiện chỉ số PCI và nâng chất công tác cải cách hành chính.
Năm 2018, chỉ số PCI của Bình Phước xếp hạng 61/63 tỉnh, thành, tăng một bậc so với năm 2017. Tuy được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng so với yêu cầu đặt ra (kế hoạch tăng từ 5-7 bậc). Kết quả này phản ánh tinh thần chưa sẵn sàng đổi mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là một số cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; vẫn còn biểu hiện nhũng nhiễu DN và người dân. Mặc dù đã rút kinh nghiệm từ thực tiễn cải cách hành chính năm 2017, nhưng thực tế trên cho thấy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, chưa chuyển thành hành động cụ thể trong quá trình thực thi công vụ của mình.
Mặt khác, công tác giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá, song vẫn còn không ít tồn tại, bất cập. Đó là, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện kiểm soát TTHC. Một số công chức, viên chức còn nặng về nghiệp vụ chuyên môn chưa dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu cải cách và kiểm soát TTHC dẫn đến chất lượng của công tác kiểm soát TTHC chưa cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân chưa nhịp nhàng, dẫn đến hồ sơ của tổ chức, cá nhân còn bị trả hay trễ hẹn, tồn đọng. Công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các cấp, các ngành thường xuyên thay đổi nên việc nắm bắt về kỹ năng, nghiệp vụ hạn chế, làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân… Đáng chú ý là việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã triển khai ở các sở, ngành, nhưng do tâm lý “thấy mới chắc” nên DN, tổ chức, cá nhân chủ yếu vẫn thực hiện ở mức độ 1, 2.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát và cắt giảm các TTHC không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, DN, nhưng vẫn phù hợp quy định. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông về cải cách hành chính, TTHC, trong đó tập trung giới thiệu những kết quả đơn giản hóa TTHC; biểu dương những mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện giải quyết TTHC cũng như phản ánh những thủ tục còn rườm rà, phức tạp và tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt, gây phiền hà, sách nhiễu người dân, DN. Tỉnh còn xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, DN về cơ chế, chính sách và công khai kết quả xử lý trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Ngày 20-5-2019, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1409-QĐ/TU về việc thành lập Tổ rà soát, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về cải cách TTHC và xây dựng chính quyền điện tử. Tổ có trách nhiệm giúp Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, kiểm tra các cơ chế, chính sách, TTHC hiện tại, tiếp tục cải cách cơ chế, chính sách và cải cách TTHC của tỉnh để nâng cao chỉ số PCI, PAPI… Đến ngày 30-6, tổ đã tiến hành rà soát tổng số 532 TTHC, đề nghị loại bỏ 9 TTHC, công bố nội bộ 23 thủ tục, ủy quyền cho sở 3 thủ tục và chuyển vể cấp huyện 1 thủ tục; đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết đối với 136 thủ tục; quy định cụ thể thời gian giải quyết 3 thủ tục... Tổ còn đề xuất tăng 122 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 so với hiện tại và yêu cầu 4 sở, ngành thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả hồ sơ) ở Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Trung tâm Phục vụ hành chính công hiện đang tiếp nhận 1.416 TTHC, chiếm 89% trong tổng 1.595 TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của các sở, ban, ngành. Từ ngày 1-1 đến 31-8-2019, trung tâm tiếp nhận 43.388 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC. Trong đó, 42.124 hồ sơ đã giải quyết xong, còn 1.264 hồ sơ đang giải quyết, trong đó có 47 hồ sơ trễ hạn, tương đương 0,72% - một tỷ lệ khá thấp, chủ yếu là do TTHC còn chồng chéo giữa các ngành, đơn vị, địa phương. Từ ngày 1-12-2018 đến 31-8-2019, trung tâm nhận được 982 phiếu đánh giá khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC của các cơ quan cấp tỉnh tại trung tâm. Trong đó có 666 phiếu rất hài lòng, đạt 67,8%; 313 phiếu hài lòng, đạt 31,9%; không trả lời 3 phiếu, chiếm 0,3%. Đây chính là câu trả lời cho sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong công tác cải cách hành chính.
Ông Bùi Gia Khánh, Phó giám đốc trung tâm cho hay: Để bảo đảm sự hài lòng của DN, người dân khi đến làm việc, cán bộ, công chức trong đơn vị luôn ý thức chấp hành nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả mô hình “nụ cười công sở” với phương châm “Biết chào - biết cười - biết lắng nghe - biết hướng dẫn - biết cảm ơn - biết xin lỗi”. Hệ thống phần mềm tại trung tâm cũng được tích hợp tổng đài tự động thông báo kết quả giải quyết TTHC qua tin nhắn SMS, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ thông qua website, zalo, facebook. Trung tâm còn thực hiện việc scan hồ sơ chuyển về cơ quan chủ trì giải quyết giúp tiết kiệm thời gian đối với hồ sơ đơn giản; tích hợp chữ ký số để người xử lý hồ sơ có thể ký số trên hệ thống. Chủ động đăng ký lịch tổ chức họp với các sở, ban, ngành để tháo gỡ vướng mắc có liên quan trong việc giải quyết TTHC tại trung tâm để cùng bàn bạc thống nhất phương án giải quyết, tránh vướng mắc kéo dài. Đối với các sở, ban, ngành có số lượng hồ sơ tiếp nhận ít và tính chất đơn giản, trung tâm đã thành lập quầy tổng hợp tiếp nhận, giúp các đơn vị chủ động trong bố trí công tác, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Anh Ninh Thanh Phong, cán bộ Ngân hàng An Bình - chi nhánh Bình Phước là người thường xuyên đến trung tâm hỗ trợ DN làm thủ tục vay vốn chia sẻ: Cán bộ, công chức trung tâm rất niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn, giải quyết đúng trình tự quy định, không để DN, người dân phải chờ đợi hay phải đi lại nhiều lần. Còn ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Đãi ở ấp 1, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành cho hay: “DN đi vào hoạt động từ năm 2015, mọi thủ tục đăng ký kinh doanh trước đây phải đi nhiều cơ quan, nhiều khâu rất mất thời gian, nay mọi thủ tục đều được thực hiện công khai tại trung tâm. Tháng trước, làm mất con dấu, tôi cứ nghĩ làm thủ tục xin lại rất mất thời gian, nhưng đến đây, tôi chỉ cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ thì 20 phút sau mọi thủ tục đã hoàn tất. Điều tôi thực sự ấn tượng là chưa đến lịch hẹn, nhưng nhân viên đã làm xong hồ sơ và chủ động gọi đến nhận”.
Hướng đến tất cả các TTHC được thực hiện “4 tại chỗ”, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư trang thiết bị cho bộ phận một cửa của UBND cấp huyện, UBND cấp xã; chỉ đạo UBND các cấp phối kết hợp với ngành bưu chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Chủ tịch UBND tỉnh còn ban hành Công văn khẩn số 2503/UBND-NC yêu cầu các sở, ngành trực thuộc phải thực hiện thủ tục theo nguyên tắc này tại trung tâm theo đúng lộ trình và thời gian đề ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO hành chính công phiên bản 9001:2008, tổ chức giải quyết TTHC ngày thứ 7 hằng tuần được thực hiện đồng bộ, góp phần tích cực trong công tác cải cách TTHC. Các cấp, ngành còn thường xuyên công bố, cập nhật TTHC và niêm yết công khai TTHC theo đúng quy định của pháp luật, làm hạn chế tối đa giấy tờ không cần thiết, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân… Ngoài ra, Báo Bình Phước, binhphuoc online và Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản của bộ, ngành Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền địa phương về cải cách hành chính, cải cách TTHC, giúp DN, cá nhân chủ động nắm bắt, thực hiện.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: Là cơ quan chủ trì, tham mưu tổng hợp về thu hút đầu tư, sở luôn quyết liệt trong công tác rà soát, cải cách TTHC về đầu tư. Sở có tất cả 116 TTHC, 100% thủ tục được tiếp nhân và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Trong đó có 82 thủ tục liên quan đến thành lập DN được thực hiện “4 tại chỗ” từ ngày 1-4-2019. Hiện sở có 6 cán bộ công chức - viên chức làm việc trực tiếp tại trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư, góp phần nâng cao kết quả thu hút đầu tư. Sở còn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1-9-2019 với tất cả các văn bản phối hợp đều gửi qua hệ thống dịch vụ công”.
Để công tác cải cách TTHC đi vào nề nếp, thể hiện sự quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền địa phương, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phiên thứ 17, khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra ngày 3-10, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh cái cách hành chính, nhất là TTHC tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN. Phải khắc phục những chỉ số thành phần có điểm số thấp để nâng cao chỉ số PCI; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả: Lâm Phương - Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065