>> Thí sinh đến trường thi bằng xe cứu thương
>> Một kỳ thi đậm tính nhân văn, nặng nghĩa thầy trò
BP - Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tại Bình Phước, ai theo dõi thông tin trên báo chí đều không khỏi xúc động về trường hợp dự thi theo cách rất đặc biệt của hai thí sinh Dương Thị Thái và Phạm Thế Tài.
Thái bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não từ khi học lớp 1. Di chứng để lại là tay phải, chân phải của em bị run và co cứng. Nhưng Thái không đầu hàng số phận, vượt qua 12 năm học dù phải viết bằng tay trái và khi viết luôn cần người bên cạnh giữ giùm tay phải cho khỏi run. Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, Thái từ nhà ở Bù Đăng về Đồng Xoài dự thi. Các thầy cô giáo đã ngỡ ngàng khi Thái làm thủ tục vào phòng thi nhưng cũng kịp thời lập phòng thi riêng, cử thêm giám thị hỗ trợ em khi làm bài. Môn Văn phải viết nhiều, hội đồng thi cho Thái đọc câu trả lời, giám thị giúp em viết ra giấy. Quá trình làm bài của em được ghi âm lại đầy đủ...
Còn Tài, ngày 30-6, đi xe máy đến Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài) để làm thủ tục dự thi. Tới nơi, kiểm tra thấy thiếu giấy tờ nên Tài quay về nhà ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) để lấy thì va quẹt với xe ôtô và bị gãy xương đùi. 14 giờ ngày 30-6, Tài mới phẫu thuật ghép lại xương đùi xong, sáng sớm hôm sau em đã có mặt trong phòng thi. Tài được đặc cách đưa đến trường bằng xe cứu thương, có y sĩ túc trực ở bên, ngồi làm bài trên giường xếp với chiếc bàn nhựa nhỏ đặt ở trên cho phù hợp tư thế ngồi ngả người ra sau.
Cha ông chúng ta bao đời nay dù nghèo thế nào cũng cố gắng cho con “đi học dăm ba chữ” để “làm người”. Để tìm tấm gương hiếu học, có lẽ không ở đâu trên thế giới dễ tìm thấy như ở đất nước Việt Nam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có ba mẹ con quấn túm lấy nhau ở một vùng quê cũng nghèo khó nhưng nữ sinh Dương Thị Thái vẫn không bỏ cuộc với mong muốn sau này trở thành giáo viên đứng trên bục giảng giúp đỡ những người cũng bị khuyết tật và để tất cả đều có thể tự kiếm sống, tự đứng trên đôi chân của mình. Phạm Thế Tài dù rất đau đớn sau phẫu thuật nhưng em không muốn lỡ kỳ thi để rồi lỡ mất ít nhất 1 năm mới có thể thi lại và có thể bỏ lỡ nhiều thứ trong tương lai... Biết bao câu chuyện hiếu học khác trên mọi miền của Tổ quốc không thể liệt kê hết. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, biết bao tấm gương các bậc hiền tài, anh hùng dân tộc như Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh... dù có xuất thân khác nhau nhưng đều có một điểm chung là sự hiếu học đặc biệt.
Người xưa từng nói về truyền thống hiếu học của người Việt “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, nghĩa là “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Truyền thống hiếu học của người Việt Nam đã được nhắc đến từ bao đời nay. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dù cho dân tộc Việt Nam có rơi vào hoàn cảnh nào thì truyền thống ấy cũng chưa bao giờ bị mai một. Truyền thống đó được hình thành và hun đúc trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc. Dòng chảy ấy đang và sẽ mãi tiếp nối trong các thế hệ dân tộc Việt Nam từ những con người bình dị như Dương Thị Thái, Phạm Thế Tài... đến những vận động viên chịu khó khổ luyện thành tài như Nguyễn Thị Ánh Viên hay tài năng xuất chúng như giáo sư Ngô Bảo Châu...
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065