Ông Lâm Phoan bên vườn lan rừng tự chiết trồng
Theo chân những người đi bán lan dạo, chúng tôi tìm đến ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh. Nơi đây, 198 hộ dân, từ hộ người Kinh đến hộ đồng bào Khơme, nhà nhà đều kinh doanh, nuôi trồng lan rừng. Điển hình nhất là hộ ông Lê Quang Tư. Hơn 10 năm nay, gia đình ông khá lên nhờ nghề mua bán lan rừng.
Ông Tư cho biết lan rừng được mua trực tiếp từ Campuchia về. Thông thường, ông sang Campuchia mua mỗi tuần một chuyến. Mỗi chuyến mua được 2-3 tạ lan. Sau đó về nhà đóng thùng và gửi xe về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nếu bán với giá sỉ, mỗi tạ, trừ chi phí, ông lãi 6 triệu đồng. Còn nếu chiết ra thành nhánh nhỏ bán lẻ, giá cả tùy theo chủng loại. Mỗi dò có giá từ vài chục đến vài trăm hoặc vài triệu đồng. Dự báo được nguồn cung lan rừng ngày càng giảm nên ông Tư đang chuyển hướng sang trồng và nhân giống 50 loại lan khác nhau. “Tôi đang liên hệ với một vị tiến sĩ ở Đà Lạt để nhờ hướng dẫn quy trình làm cho đảm bảo, nhưng vốn còn hạn chế nên trước mắt chỉ làm thí điểm” - ông Tư chia sẻ.
Cũng như nhiều hộ đồng bào Khơme khác trong ấp, 2 năm nay, vợ chồng ông Lâm Phoan và bà Thị Dum có cuộc sống ổn định cũng nhờ kinh doanh lan rừng. Lúc nào ở nhà ông Phoan cũng có một vườn lan rừng được chiết trồng sẵn để bán với giá khoảng 30 triệu đồng.
Người dân rất mong cấp có thẩm quyền và ngân hàng có chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh. Lộc Hưng là xã điểm xây dựng nông thôn mới, việc các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới tư duy, biết chú trọng kinh doanh, buôn bán để nâng cao thu nhập cho gia đình là một dấu hiệu đáng mừng! Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, Nguyễn Thanh Cả |
Để có lan bán, vợ chồng ông Phoan phải lặn lội sang Campuchia mua. Mỗi tuần một lần, mua được khoảng 1-2 tạ. Vợ chồng ông Phoan tính toán: Nếu trước đây cả nhà chỉ chăm chú vào 1 ha lúa, cao lắm cũng đủ ăn và quy ra tiền chỉ được 20 triệu đồng. Trong khi kinh doanh lan rừng, như năm 2014 vừa qua, vợ chồng ông thu được không dưới 100 triệu đồng.
“Hai năm nay, kinh tế nhà mình cũng khá nhờ mua bán lan. Thu nhập từ nghề này cao hơn hẳn làm nông. Nhà ít vốn nên rất mong được ngân hàng cho vay vốn để đầu tư mua lan. Mình có hướng mua về rồi nuôi trồng và nhân giống để bán lâu dài, có thu nhập cao hơn vì lan ngày càng ít”.
Ông Nguyễn Thanh Cả cho rằng, ngoài việc hỗ trợ vốn, cơ quan chức năng về nông nghiệp, khoa học và công nghệ của tỉnh cũng cần tham gia, hướng dẫn người dân vừa kinh doanh vừa kết hợp nhân giống nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại lan rừng quý hiếm; góp phần đưa Lộc Hưng trở thành một thương hiệu riêng về lan rừng để cung ứng lâu dài cho thị trường.
Quốc Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065