Chia tay nhau sau 9 năm sống cùng một mái nhà khiến em rất hận anh. Em ra đi với 2 con và với... 2 bàn tay của thuở ban sơ trời đất. Anh đã không tạo dựng cho gia đình nhỏ chúng ta một thứ gì đáng giá. Với anh, cuộc sống này là "cõi tạm" chỉ cần ngày có ba bữa ăn là đủ lắm rồi. Nhưng làm sao để có được ngần ấy bữa ăn cho bốn con người? Đó là em phải chạy vạy, giật gấu vá vai với bao nhiêu là công việc, có lúc phải xùm sụp che nón để tránh mặt người thân, có công việc suốt ngày phơi lưng ngoài nắng, đôi bàn tay như muốn tan thành nước, đôi chân không còn cảm giác...
Đến năm 2007 mà em vẫn chưa chạm tay đến chiếc xe máy, chưa nấu ăn bằng bếp gas. Tủ lạnh, máy giặt càng là thứ "cổ tích" với em trong thời điểm đó và trước đó.
Chín năm... nhà ta nấu ăn bằng lò xô, bếp củi. Dù ở phố, trong căn nhà 2m x 10m nhưng nhà ta sử dụng nước giếng, giặt tay và chiếc "cần câu cơm" của nhà ta là mớ đồ chơi trẻ em mà hàng ngày em bày bán trước công viên, trường học.
Mình chia tay nhau trong hằn học và đau đớn. Anh trách em không yêu anh, không thương con nên mới không chịu được những khó khăn khổ ải của kiếp người. Em hận anh vì chỉ là chiếc trụ rỗng của gia đình khi bao cơm, áo, gạo, tiền, thuốc men, tã, sữa... cứ lớn dần theo từng milimet chiều cao của hai con mà vẫn em là người nặng gánh. Ta cứ trách nhau mà quên rằng chuyện vợ chồng là duyên là nợ, "nợ" hết rồi thì níu kéo sao nên?
Em nuôi hai con, căn nhà nhỏ ngày nào cất chung trên đất nhà anh cũng "được" ba anh giữ lại. Mẹ con về ngoại trú ngụ một thời gian để xoa dịu vết thương lòng rồi cũng phải ra riêng để "làm lại cuộc đời". Một gánh hàng rong em vật lộn cùng cuộc sống này cho con trẻ, chỉ mong chúng an nhiên cắp sách đến trường. Mẹ con em sống trong căn nhà trọ chật hẹp để đêm đêm bấu víu vào nhau trong mùi ẩm mốc, cũ kỹ của tường vôi chợt nhớ vị tanh nồng của những cơn mưa lớn, đường mương nước sau nhà của cả đại gia đình anh phải chảy qua nền nhà nhỏ của chúng ta rồi mới ra được cống lớn ngoài đường. Biết điều đó gây phiền toái cho sức khỏe con trẻ vậy, nhưng anh cũng chẳng làm gì.
Thời gian ta chia tay nhau đã gần bằng thời gian ta sống cùng nhau nhưng anh vẫn chưa một lần về qua thăm hai thiên thần nhỏ. Dù em có căng mình ra làm một bà mẹ tốt, có lo lắng cho con đủ áo mặc cơm ăn, có cho con đủ vui tươi tuổi học trò thì tâm hồn con cũng khuyết một góc có tên "ba". Anh có biết, đứa lớn bây giờ đã bắt đầu xuất hiện những mụt mụn đầu tiên trên khuôn mặt hãy còn mịn lông măng, giọng vỡ khàn khàn nghe yêu thương đến lạ. Đứa nhỏ 12 tuổi biết giặt cho mình chiếc áo thật sạch "để dơ quá bạn cười", biết nấu giúp mẹ nồi cơm khi em về muộn.
Rồi tự dưng em phát hiện, bao đau đớn ngày nào vì chia tay anh đã tan vào hư không. Có lẽ vì trong cuộc sống này hãy còn nhiều người phụ nữ đau khổ hơn em. Hoặc vì cuộc mưu sinh quá ư vất vả, sự nghiệp làm mẹ quá lớn lao nên đớn đau đã không còn sức nặng oằn lên tâm tư em nữa?
Em đã không còn trách anh là một người đàn ông "vô tích sự" khi biết rằng non sông dễ đổi bản tính khó dời. Quan niệm "cõi đời là cõi tạm" của anh chưa chắc đã sai, chỉ vì em quá khát khao một mái nhà đầm ấm vợ chồng, đủ đầy vật chất cho con cái nên chúng mình đã lệch quan niệm sống và đánh mất nhau.
Giá mà mọi người chúng ta cân bằng được thứ gọi là "quan niệm sống" thì chắc rằng kiếp đời này bao đớn đau sẽ tan vào hư không, anh nhỉ?
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065