Học sinh hào hứng trong các tiết học ngoại khóa
Những khó khăn ban đầu
Trường THCS Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập được thành lập năm 2002, trên cơ sở tách ra từ Trường THCS Đắk Ơ với bộn bề khó khăn. Năm học đầu, trường chỉ có 8 giáo viên, 175 học sinh và 5 phòng học cấp 4. Phòng làm việc của ban giám hiệu đặt ở... nhà dân. “Lúc đó chỉ trơ trọi 1 dãy phòng học, còn lại là cỏ dại và đất. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa lầy lội, giáo viên đi dạy chẳng khác nào đi làm rẫy” - thầy Sỹ nhớ lại.
Đó chỉ là một phần trong rất nhiều khó khăn mà trường gặp phải. Là trường vùng sâu, xa, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phụ huynh mải lo cái ăn, cái mặc nên ít quan tâm đến việc học của con em. Đang tuổi ăn học nhưng nhiều em là trụ cột gia đình, một buổi đến trường, một buổi đi làm thuê kiếm sống. Đói, nghèo luôn đeo bám gia đình các em nên có học sinh buộc phải nghỉ học. Để vận động các em ra lớp, giáo viên lặn lội đến tận nhà nhưng phần lớn đều nhận được câu trả lời của phụ huynh: “Ăn còn chưa đủ lấy gì mà đi học”.
Phần lớn học sinh người dân tộc S’tiêng đều ra lớp chậm hơn tuổi quy định. Sống ở địa bàn có nhiều tập tục lạc hậu nên nhiều em chỉ học hết lớp 6, 7 là nghỉ học, lập gia đình. Ngoài ra, giao thông cách trở, thiếu phương tiện đi lại, tuyển sinh đầu vào trình độ thấp... cũng là những áp lực khi trường muốn vươn lên.
Và những đổi thay
Hiện trường có 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh môn Sinh là thầy Nguyễn Văn Linh; 3 giáo viên giỏi cấp huyện và 22/24 giáo viên giỏi cấp trường. Đặc biệt trường có 2 giáo viên người S’tiêng là thầy Điểu Thinh, giáo viên môn Hóa và cô Thị Liên, giáo viên tiếng Anh. Đây là điều kiện tốt để thầy - trò gần gũi hơn và giúp các em vươn lên học tốt. |
Trong điều kiện chồng chất khó khăn nên năm nào trường cũng đứng top cuối về điểm tuyển sinh vào lớp 10 và hầu như không có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi. Nhưng bắt đầu từ năm học 2013-2014, trường đã để lại nhiều dấu ấn khi có 5 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 11 em đạt học sinh giỏi cấp huyện và lần đầu tiên vươn lên vị trí 103/107 trường THCS, cấp 2-3 về điểm thi vào lớp 10. Năm học 2014-2015, trường tiếp tục gặt hái được thành công khi có 2 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 11 em đạt học sinh giỏi cấp huyện và vươn lên vị trí 100/107 về tuyển sinh vào lớp 10. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đậu tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt tỷ lệ học sinh bỏ học những năm trước luôn trên 3% thì đến nay giảm còn 1,2%. Tình trạng tảo hôn, học quá tuổi không còn.
Theo thầy Sỹ, có được thành công như hôm nay là nhờ vào nhiều yếu tố. Năm 2014, tuyến đường từ trung tâm xã vào các thôn Bù Na, Bù Rên, Đắk Á được nhựa hóa khang trang, tạo điều kiện cho học sinh đi lại thuận tiện. Từ đó nhà trường, hội phụ huynh phối hợp UBND xã vận động 2 chủ xe khách đưa đón học sinh. Đồng thời cơ sở vật chất của trường được đầu tư, hiện trường có 13 phòng học cấp 4, 2 phòng học bộ môn, 2 phòng chức năng, 2 dãy nhà vệ sinh. Dù cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn theo quy định nhưng cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dạy - học cho 14 lớp/349 học sinh. Đặc biệt phòng tin học được trang bị 17 máy vi tính. Đến nay, trường có 39 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, 100% đạt chuẩn, 70% trên chuẩn. Có thêm phòng học, đủ giáo viên nên ngoài phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, trường còn tăng cường thêm các tiết tự chọn/tuần.
Dạy học bằng tình thương
Điều khá ấn tượng ở ngôi trường này là dù có nhiều trở ngại, thiếu thốn nhưng thầy cô đã đến đây thì đều gắn bó với trường. Giáo viên phần lớn từ miền Bắc, Trung vào lập nghiệp. Hiện có 20 người đã gắn bó với trường từ khi thành lập như các thầy Trần Văn Lộc, Phạm Sỹ, Phạm Viết Phương, cô Trần Thị Mai...
Thầy Phạm Viết Phương, có 14 năm công tác tại trường, trong đó 5 năm làm Tổng phụ trách đội, 9 năm làm phổ cập giáo dục chia sẻ: “Khi tôi mới về công tác, đây là vùng rừng núi heo hút, xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, học sinh phần lớn học quá tuổi, kinh tế gia đình khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu, phụ huynh không biết chữ. Nhưng các em ngoan hiền, lễ phép nên tôi không lỡ rời xa. Ở đây, ngoài giờ lên lớp giáo viên còn tranh thủ đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, vận động các em ra lớp. Thậm chí cùng ăn, cùng ở để vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Dạy học ở đây mà giáo viên không có tình thương, không tâm huyết với nghề thì khó lắm”.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065