Chủ động vươn lên thoát nghèo
Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau cho biết: Trước năm 2001, 21 hộ không có đất ở, đất sản xuất sống ở khu vực giáp ranh giữa Bù Đăng với các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Hằng ngày, người dân thường vào rừng săn, bắn, hái lượm kiếm sống. Những vạt rừng cũng dần dần bị xâm hại. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đây tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Đường giao thông vào khu 21 hộ thôn Đắk La, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) được đầu tư đáp ứng nhu cầu giao thương buôn bán và phát triển của người dân
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, UBND tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã bố trí tái định canh, định cư cho 21 hộ tại thôn Đắk La. Già làng Điểu Phức năm nay gần 80 tuổi, nhớ lại những ngày đầu về khu 21 hộ do Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ vẫn bồi hồi xúc động: “Khi mới về đây, dù còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng bà con rất phấn khởi. Mỗi hộ được cấp 1 ha đất, trong đó gồm 1 nhà tình thương cùng đất ở, đất sản xuất. Các hộ được cấp cây giống, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hằng tuần, Đoàn thanh niên xã tổ chức ngày “Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” cắt tóc và móng tay, tổ chức các trò chơi cho trẻ em, tuyên truyền bà con tích cực tăng gia sản xuất, giữ gìn vệ sinh khu dân cư, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ”.
Nhờ nhận thức tốt nên một số gia đình trẻ đã chủ động vươn lên, mau chóng thoát nghèo. Trong đó, hộ anh Điểu Suốt (SN 1975) là điển hình. Với 1 ha được cấp gần nhà, anh Suốt trồng điều ghép cao sản, vài năm sau anh trồng xen cà phê. Tu chí làm ăn nên năm 2010, anh Suốt mua thêm được 1 ha điều và sắm thêm phương tiện sản xuất như máy phát cỏ, xịt thuốc, máy bơm tưới. Năm 2016, anh làm nhà gỗ rộng rãi, lát gạch bông sạch sẽ, khang trang, sắm được smart tivi, xe máy, sửa nhà tình thương (được cấp năm 2001), làm nhà bếp và phòng ăn cho gia đình. Năm 2017, mặc dù mất mùa điều, cà phê rớt giá nhưng gia đình anh vẫn có thu trên 50 triệu đồng. Vụ vừa qua, anh thu 5 tấn cà phê tươi, đã phơi khô để chờ được giá sẽ bán. Ngoài gây dựng đàn bò 4 con, hộ anh còn nuôi gia cầm, tận dụng đất trồng rau xanh cung cấp thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Chị Thị Gái, vợ anh Suốt cho biết: “Nhà nước hỗ trợ nhà, đất ở, đất sản xuất ổn định, gia đình phải chủ động làm ăn mới có tiền nuôi con. Giá nông sản thất thường, sâu bệnh cũng gây hại nhiều nên gia đình tôi thực hiện đa dạng cây trồng, vật nuôi, tích cực tăng gia sản xuất để cuộc sống ổn định hơn”.
Anh Phạm Văn Giang, đại lý thu mua nông sản tại ngã ba khu 21 hộ chia sẻ, mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh mua hàng trăm tấn cà phê, riêng của bà con khu 21 hộ khoảng 80-100 tấn. Những thanh niên khỏe mạnh và chịu khó làm ăn được gia đình anh nhận làm công theo thời vụ như lái xe vận chuyển, bốc vác, hái, xát cà phê..., tiền công từ 200-250 ngàn đồng/ngày/người. Hầu hết thanh niên trong khu học tập lẫn nhau tích cực lao động nên đời sống từng bước ổn định. Ông Điểu Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đắk La cho biết, trong khu 21 hộ hiện chỉ còn một số gia đình nghèo và cận nghèo là người già không còn sức lao động.
đầu tư đồng bộ
Ông Châu Minh Hoàng, Chánh văn phòng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tháng 12-2018, dự án xây dựng đường liên thôn Đắk La, Đắk Liên và Đăng Lang do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Dự án có tổng kinh phí 1,312 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Công trình có chiều dài 920m, gồm 3 tuyến, mặt đường rộng 5m, kết cấu láng nhựa dày 3,5cm, được bố trí đầy đủ biển báo giao thông đường bộ theo quy chuẩn quốc gia. Cũng từ nguồn vốn này, cuối năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp láng nhựa đường vào khu 21 hộ với chiều dài 420m, kinh phí trên 930 triệu đồng. Nhờ vậy, hiện nay hệ thống đường giao thông tại đây được cải thiện đáng kể, điều kiện đi lại, chuyên chở hàng hóa, nông sản của người dân thuận tiện hơn.
Những thanh niên tu chí làm ăn được gia đình anh Phạm Văn Giang nhận làm công theo thời vụ
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Trường nói: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã luôn quan tâm phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện như: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ xây nhà tình thương, tiền điện, miễn giảm học phí, vay vốn sản xuất, cung cấp cây - con giống, kiến thức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Xã còn đẩy mạnh tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong việc tang, cưới hỏi, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng mô hình tự quản, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đến thăm khu 21 hộ thời điểm này, diện mạo khu dân cư đã có nhiều đổi thay. Hệ thống điện lưới quốc gia được hạ thế, 100% hộ có điện sử dụng. Công trình nước sạch được đầu tư cung cấp đến mọi nhà. Hầu hết các hộ đều có phương tiện đi lại, nghe nhìn. Thôn có nhà văn hóa, cụm loa truyền thanh, điểm trường học đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và học tập của trẻ em. Tết năm nay, khu dân cư khang trang hơn vì trên các tuyến đường nhựa rộng rãi, sạch sẽ mới hoàn thành, người dân đã xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, mỗi cột đèn đều gắn thêm cờ Tổ quốc, không khí vui xuân đón tết càng thêm rộn ràng, ấm áp.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065