Suốt 10 năm ông Chấn ngồi tù, vợ ông liên tục đến chốn công đường kêu oan. Mẹ ông Chấn là vợ liệt sĩ và chỉ có ông là con trai duy nhất mà suốt 10 năm không được ông chăm sóc. Cha ngồi tù nên 4 người con của ông Chấn cũng không được học hành, bị bạn bè khinh bỉ, mẹ đi kêu oan, không thể chăm sóc chu đáo. Tổn thất về tinh thần, sức khỏe, kinh tế của mẹ, vợ và con trong những ngày tháng ông Chấn chịu oan sai là mất mát quá lớn.
Lê Bá Mai bị tuyên án tử hình lần hai
Ở “kỳ án trộm dê”, ngày 28-5-2005, bà Trần Thị Kim Nguyệt (1970), trú xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bị bắt giữ về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, bà Nguyệt bị bắt tạm giam thêm 2 lần, tổng cộng 210 ngày và chịu xét xử qua 14 phiên tòa. Vụ án kéo dài gần 10 năm. Ở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 13, bà Nguyệt bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bắc Bình tuyên 24 tháng tù. Đến phiên phúc thẩm giảm còn 15 tháng. Chấp hành xong án tù vào tháng 9-2014, bà đã gửi đơn đến TAND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì cho rằng, mình bị oan!
Với vụ án “vườn điều” ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nghi can Nguyễn Thị Lâm bị kết tội giết người oan. Trong vụ án này, 3 thế hệ trong gia đình bà Lâm cùng vướng vào vòng lao lý oan. Vụ án xảy ra từ năm 1993 đến 1998, vì một lời khai, cơ quan điều tra đã buộc tội 9 người trong gia đình bà Lâm giết chết Dương Thị Mỹ. Việc điều tra xét xử vụ án kéo dài 12 năm nhưng vẫn không tìm ra hung thủ. Cuối cùng, Bộ Công an phải vào cuộc điều tra lại từ đầu. Tuy nhiên, do vụ án diễn ra quá lâu, không thu thập đủ các tài liệu, chứng cứ để buộc tội các bị can. Năm 2006, cơ quan điều tra xác định các bị cáo vô tội và trả tự do tại tòa. Đồng thời, cơ quan công tố phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai 1,2 tỷ đồng.
Hàn Đức Long (1959) ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là người 4 lần bị tuyên án tử hình. 4 phiên xét xử tuyên phạt Hàn Đức Long án tử hình đều bị TAND tối cao ra kháng nghị yêu cầu hủy bản án, điều tra lại. Sau gần 10 năm bị bắt, tử tù Long vẫn không ngừng kêu oan. Bà Nguyễn Thị Mai - vợ ông Long vẫn thay chồng gửi đơn thư về việc này.
Đó là ngoại tỉnh, còn ở Bình Phước, án oan cũng không hiếm. Đơn cử vụ Phạm Văn Quàng (1988), Vũ Ngọc Văn (1990), Nguyễn Hữu Nghĩa (1987) và Thái Hoàng Trọng (1990), cùng ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Thành (Bù Đốp) được tòa tuyên trả tự do vào tháng 11-2013. Từ ngày bị khởi tố với tội danh hiếp dâm trẻ em vào tháng 10-2005, cuộc sống vốn yên bình của 4 thanh niên đột ngột khép lại, thay vào là ngày tháng đen tối và tuyệt vọng. 8 năm trời với hàng chục cuộc điều tra, 2 lần xét xử tại TAND tỉnh Bình Phước và TAND tối cao thành phố Hồ Chí Minh, cuối cùng, vụ án khép lại với lý do hết thời hiệu điều tra mà không chứng minh được hành vi tội phạm.
Thái Hoàng Trọng cho biết, từ khi vụ án xảy ra luôn phải quanh quẩn tại xã vì chờ công an triệu tập điều tra bất cứ lúc nào. Ngoài thua thiệt về kinh tế, tự do thì nỗi ám ảnh in sâu trong tiềm thức Trọng là luôn cảm thấy bất an, lo lắng khi có người hỏi đến. Gần 10 năm chịu nỗi oan và hơn thế nữa là hàng ngày phải đối diện với ánh mắt dè bỉu, kỳ thị của người đời, nhất là bị bắt tạm giam khi mới 15 tuổi quả là khủng khiếp với Trọng.
Bình Phước còn làm chấn động cả nước với “kỳ án vườn mít” và Lê Bá Mai, ngụ xã An Khương (Hớn Quản) được xem là hung thủ. Từ năm 2005, sau nhiều phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm tương ứng với nhiều mức tuyên tử hình có, trắng án có và hiện giờ thì Mai đang chịu án chung thân về 2 tội: Giết người và hiếp dâm trẻ em.
Mang tội danh hủy hoại tài sản do Viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng khởi tố hình sự, ông Phạm Duy Khải, ngụ khu phố Tân Hưng, thị trấn Đức Phong không nhớ nổi mình bị triệu tập theo giấy mời của cơ quan điều tra bao nhiêu lần. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần và kinh tế của gia đình ông. Do vụ án kéo dài khiến thân phận pháp lý của ông Khải vẫn bị treo lơ lửng đến hôm nay. Điều tra tới gần 10 năm mới đưa ra xét xử và đến phiên phúc thẩm, TAND tỉnh lại “ngâm” chưa hẹn ngày xử. Trong thời gian chờ đợi, từ một người độc thân, ông Khải đã kịp có vợ, sinh 2 con và xây nhà ở ổn định. Ông Khải trần tình: “Cả gia đình tôi đã phải điêu đứng vì sự giải quyết quá chậm của các cơ quan chức năng. Người dân nào chẳng muốn sống ổn định nhưng vụ việc kéo dài khiến tôi rất mệt mỏi, ngán ngẩm. Cũng vì không giải quyết dứt điểm nên mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng bị khoét sâu hơn...”.
Trong khi đó, thông tin từ Quốc hội, hiện cả nước có hơn 4.600 bản án và quyết định dân sự vi phạm về thời hiệu tố tụng. Số lượng các bản án bị kháng nghị, phúc thẩm tăng, 560 bản án dân sự tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Con số đó khiến dư luận không thể không hỏi rằng, còn bao nhiêu người đang phải chịu oan sai? Sẽ còn có bao nhiêu kẻ phạm tội nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Và đau lòng hơn nữa là những người bị oan sai tất nhiên sẽ được bồi thường thiệt thòi về kinh tế, rồi thậm chí là cả danh dự lẫn tinh thần cũng được quy ra tiền, song tuổi thanh xuân ở trong tù của người bị oan thì làm sao có thể bồi thường?
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065