Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Để đạt được mục tiêu trên, nghị quyết cũng đề ra yêu cầu đối với ngành giáo dục - đào tạo là phải nhanh chóng tiến hành đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố phân luồng và sớm khắc phục tình trạng quá tải chương trình sách giáo khoa.
Như chúng ta đã biết, quy luật phát triển của giáo dục nói chung là càng lên bậc học cao, số lượng người học càng giảm. Từ xưa đến nay, không có nước nào, kể cả những nước có điều kiện nhất, toàn bộ số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, chuyển tất cả lên học cao đẳng, đại học. Học sinh có những năng lực, sở trường, sở thích khác nhau. Xã hội, thị trường lao động cũng đòi hỏi nhân lực các trình độ khác nhau, không nhất thiết và không cần người lao động nào cũng phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vì thế, cần phân luồng ngay từ những bậc học dưới (thường là sau trung học cơ sở và nhất là sau trung học phổ thông). Nhìn chung, sự phân luồng được thực hiện theo hai hướng chính: (1) hệ thống trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp nhằm đào tạo lực lượng lao động trực tiếp, có tay nghề kĩ thuật; (2) hệ thống các trường cao đẳng, đại học để học sinh học tiếp lên cao nhằm đào tạo đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực trình độ cao và phát triển nhân tài. Phân luồng phù hợp sẽ tạo ra sự cân đối giữa các lực lượng lao động trong xã hội.
Bên cạnh việc thực hiện phân luồng một cách phù hợp, nghị quyết cũng chỉ rõ hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta cần phải tạo được sự liên thông giữa các bậc học, các trình độ đào tạo, hệ thống chứng chỉ, bằng cấp… với mục đích tạo mọi điều kiện cho việc học tập được chuyển đổi một cách thuận tiện, linh hoạt; giúp mọi người dễ dàng tiếp tục học tập bằng nhiều hình thức khác nhau, chuyển đổi nghề nghiệp khi cần; động viên và đề cao tinh thần học suốt đời. Và nếu làm tốt công tác liên thông sẽ có tác động tích cực trở lại đối với phân luồng; giúp cho việc phân luồng dễ dàng và thuận lợi hơn.
Và nghị quyết cũng đã chỉ ra rằng, cách làm trên chỉ là giải pháp trước mắt, phục vụ trực tiếp cho yêu cầu nhằm giảm tải, giảm bớt áp lực và gánh nặng học hành cho học sinh. Sự quá tải của chương trình và sách giáo khoa chỉ có thể khắc phục căn bản khi xây dựng lại chương trình và sách giáo khoa mới sau 2015.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tức là việc học đi đôi với hành; lí luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Định hướng khái quát này được thể hiện cụ thể ở một số điểm sau đây:
Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được xây dựng thành một chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1- lớp 12; tích hợp cao ở các lớp/cấp học dưới; phân hóa mạnh ở các lớp/cấp học cao hơn, nhất là ở trung học phổ thông. Số môn học bắt buộc sẽ giảm nhiều; học sinh được tự chọn các môn học/các chuyên đề phù hợp với năng lực và sở thích, gắn với định hướng nghề nghiệp sau này.
Nội dung các môn học sẽ "tinh giản, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tiễn". Định hướng trên cũng hạn chế được tính hàn lâm, xa rời cuộc sống.
Phương pháp dạy và học sẽ khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học, theo phương châm "giảng ít, học nhiều". Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; đa dạng hóa các hình thức tổ chức giáo dục…
Nghị quyết Trung ương 8 cũng đã chỉ rõ hai phương pháp dạy học trong quá trình thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo ở nước. Thứ nhất là dạy học tích hợp, tức là dạy học mà trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ học tập. Qua đó, hình thành những kiến thức, kĩ năng mới cho học sinh; đồng thời phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống. Dạy học tích hợp sẽ giúp cho việc giảm số môn học và lồng ghép được các vấn đề thời sự của cuộc sống vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Dạy học phân hóa là dạy học theo từng loại đối tượng, phù hợp với tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu và hứng thú của người học nhằm phát triển tối đa tiềm năng riêng vốn có của mỗi người học; người học được chủ động lựa chọn các môn học hoặc chủ đề phù hợp với năng lực và sở thích của mình.
KN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065