Sau khi Tỉnh ủy ban hành Đề án 987 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, chất lượng được nâng lên. Cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt tỷ lệ ngày càng cao. Các tầng lớp nhân dân tích cực hơn trong việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng qua phương thức truyền hình trực tiếp. Cấp ủy các cấp chú trọng trong việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết cụ thể, hiệu quả và thiết thực. Đội ngũ cán bộ, giáo viên chính trị ở các trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng, trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Các tổ chức đảng và đảng viên trưởng thành về nhiều mặt; phẩm chất chính trị, tư duy lý luận, năng lực lãnh đạo và công tác vận động quần chúng được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm. Đó là, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu về tình hình thế giới, khu vực và vấn đề thời đại chưa sâu sắc, toàn diện. Kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn dàn trải, tính hệ thống chưa cao, chưa gắn kết chặt chẽ với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Nghiên cứu những trào lưu tư tưởng, học thuyết mới, lý thuyết mới chưa được nhiều. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ. Đội ngũ cán bộ lý luận đông nhưng không mạnh, còn ít chuyên gia lý luận hàng đầu trên các lĩnh vực. Hợp tác quốc tế về lý luận còn hạn chế, hiệu quả thấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và quản lý các hoạt động lý luận còn nhiều bất cập. Thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, giữa cán bộ lý luận và cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế về chất lượng, trùng lắp về nội dung, chương trình, giáo trình; chậm đổi mới về phương pháp. Đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu.
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục lý luận chính trị, cấp ủy các cấp cần khắc phục tình trạng ngại học tập lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Về việc này, Tỉnh ủy đã ra công văn phê bình 18 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không tham gia học Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XI) mà không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, chủ động đẩy mạnh xây dựng, đổi mới các chương trình giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo phương châm lý luận gắn với thực tiễn, phát huy tính tích cực, tự giác của người học. Tăng cường nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Đổi mới hơn nữa về phương thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và học tập, khắc phục tình trạng mở lớp quá đông, chạy theo số lượng. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách công bằng, chính xác, không chạy theo thành tích. Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng hiện đại, phù hợp đối tượng, chú trọng nâng cao trình độ, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Kịp thời phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch. Đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau. Phát huy vai trò và trách nhiệm của phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn khoa học vì sự phát triển ổn định, bền vững của chế độ, vì nhân dân và đất nước.
Ngọc Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065