* Vì sao phải đổi mới GD-ĐT?
Trong Nghị quyết Hội nghị ban chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XI, Đảng ta đã khẳng định về thành tựu to lớn của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) trong những năm qua là: Đã xây dựng được hệ thống GD-ĐT tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị GD-ĐT được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng GD-ĐT có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý…
Nhân dân ta với truyền thống hiếu học và chăm lo cho giáo dục, sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và đầu tư cao cho GD-ĐT - Ảnh: H.L
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong GD-ĐT.
Tuy nhiên, trong nghị quyết, Ban chấp hành Trung ương cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành GD-ĐT đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục. Đó là: Chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Đặc biệt là công tác quản lý GD-ĐT còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho GD-ĐT chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Và đây cũng là lý do chính để Đảng ta ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, để thực hiện thành công nghị quyết này, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã phân tích kỹ và chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức mà toàn đảng, toàn dân, mà đặc biệt là ngành GD-ĐT phải vượt qua.
* Những cơ hội để thực hiện thành công đổi mới GD-ĐT:
Về cơ hội thuận lợi lớn nhất mà nghị quyết đã chỉ ra là đất nước ta ổn định về chính trị, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, cùng với chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Những thuận lợi trên là tiền đề cơ bản để chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Thứ hai là Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển GD-ĐT, mong muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, tận dụng cơ hội phát triển đất nước trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Thứ ba là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế tri thức phát triển mạnh làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục), đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu của xã hội và cá nhân người học.
Thứ tư là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi để nước ta tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển giáo dục.
Thứ năm là nền giáo dục trên thế giới đang diễn ra những xu hướng mới: xây dựng xã hội học tập cùng với các điều kiện bảo đảm học tập suốt đời; đại chúng hóa, đa dạng hóa, toàn cầu hóa, hội nhập và hợp tác cùng với cạnh tranh quốc tế về giáo dục… Và quan trọng nữa là nhân dân ta với truyền thống hiếu học và chăm lo cho giáo dục, sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và đầu tư cao cho GD-ĐT.
* Những thách thức đối với công cuộc đổi mới GD-ĐT:
Về những thách thức đối với công cuộc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT ở nước hiện nay, nghị quyết cũng đã chỉ ra rằng: Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn lực quốc gia và khả năng đầu tư cho giáo dục của Nhà nước và phần đông gia đình còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặt ra nhiệm vụ nặng nề và thách thức lớn đối với sự phát triển GD-ĐT.
Thứ hai là khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, sự phát triển không đều giữa các địa phương vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến thiếu bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đối tượng người học và các vùng miền.
Thứ ba là tư duy bao cấp, sức ì trong nhận thức, tác phong quan liêu trong ứng xử với giáo dục của nhiều cấp, nhiều ngành, của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, không theo kịp sự phát triển nhanh của KT-XH và khoa học công nghệ; bệnh thành tích, hư danh, chạy theo bằng cấp trong cán bộ và người dân chậm được khắc phục.
Và cuối cùng là khoảng cách phát triển về kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữa nước ta và các nước tiên tiến trong khu vực, trên thế giới có xu hướng gia tăng. Hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn như sự thâm nhập lối sống không lành mạnh, xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc; sự thâm nhập của các loại dịch vụ giáo dục kém chất lượng, lạm dụng dạy thêm, học thêm, chạy trường, chạy điểm...
Hồ Văn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065