Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng đề án đổi mới cụ thể ở các bậc học từ mầm non đến đại học. Theo đó, mục tiêu cụ thể đổi mới căn bản giáo dục mầm non là: Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mĩ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1. Đồng thời, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này. Từng bước chuẩn hoá hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.
Cũng theo đề án này, những điểm mới trong mục tiêu giáo dục mầm non là: Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo. Thực hiện việc miễn học phí trước năm 2020 cho trẻ 5 tuổi. Từng bước chuẩn hoá trường mầm non và phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.
Đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Bộ đã đề ra mục tiêu cụ thể là: Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lí tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.
Mục tiêu trên so với mục tiêu lâu nay có những điểm mới. Trước hết là việc nhấn mạnh tập trung hình thành "năng lực công dân; năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn". Phát triển năng lực là một trong những yêu cầu quan trọng, thể hiện rõ nhất việc đổi mới mục tiêu giáo dục lần này. Năng lực được hiểu là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố (kiến thức, kĩ năng, thái độ, động cơ, hứng thú…) nhằm thực hiện công việc có hiệu quả. Quan niệm này chi phối toàn bộ các yếu tố của quá trình giáo dục, từ nội dung, phương pháp đến đánh giá kết quả học tập. Mục tiêu phát triển năng lực nhằm khắc phục tình trạng quá chú trọng vào trang bị kiến thức hàn lâm, kinh viện; người học biết nhiều lí thuyết nhưng thực hành, vận dụng kém… Thứ hai, mục tiêu "chú trọng ngoại ngữ (trước hết là tiếng Anh), tin học" cũng là nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức. Ngoài hai nội dung vừa nêu, mục tiêu học sinh học hết trung học cơ sở phải có tri thức phổ thông nền tảng, "giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020", có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương cũng là nội dung mới.
Mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thường xuyên là bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng diện chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động; bảo đảm xoá mù chữ bền vững. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa.
Những nội dung mới so với mục tiêu lâu nay đã xác định: Nhấn mạnh phát triển giáo dục thường xuyên gắn kết chặt chẽ và liên thông với giáo dục chính quy để phát triển tài nguyên con người; giáo dục thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được bổ sung kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng các hình thức học tập phong phú, linh hoạt và đặc biệt coi trọng tự học, coi việc thường xuyên học tập, học suốt đời của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định xây dựng thành công một xã hội học tập.
* Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp:
Mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp là tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kĩ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kĩ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Những nội dung trọng tâm đổi mới mục tiêu giáo dục nghề nghiệp: Tích hợp kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm nghề nghiệp để hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng, thực hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kĩ thuật, công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia; trong đó có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hoá các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
So với trước đây, nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học có những điểm mới là: Giáo dục đại học không chỉ tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài mà phải đặc biệt coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phải phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia; trong đó có một số trường ngang tầm khu vực và quốc tế.
Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo phục vụ quản lí nhà nước và ưu tiên đầu tư về ngân sách. Phát triển giáo dục đại học phải gắn với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065