Ngày 4-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Nghị quyết có nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, việc triển khai học tập nghị quyết phải được các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến cơ sở triển khai đồng bộ, sâu rộng; đồng thời phải hiểu thấu đáo hai nội dung mấu chốt trong nghị quyết, đó là: Vì sao phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo? Điểm cốt lõi của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là gì? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này và bài viết dưới đây không ngoài mục đích ấy.
VÌ SAO PHẢI ĐỔI MỚI
CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO?
Trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực và đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia, nhưng để có được điều này thì không thể không có nền giáo dục phát triển. Và đối với nước ta hiện nay, để có một nền giáo dục phát triển bền vững, nghị quyết đã chỉ rõ cần phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, vì ba lý do như sau:
Thứ nhất là qua ba lần cải cách và đổi mới trong những năm gần đây, về cơ bản thì giáo dục ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục của nước nhà đã bộc lộ những yếu kém, nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những đổi mới giáo dục trong thời gian qua chưa đồng bộ, còn nhiều chắp vá, hiệu quả không cao. Thậm chí có nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp về đổi mới giáo dục đã từng mang lại hiệu quả, nhưng nay trở nên không còn phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước, cần phải được điều chỉnh.
Thứ hai là yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh của cả trong khu vực và thế giới nên đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nếu không đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo thì nhân lực chẳng những không là động lực phát triển, mà ngược lại sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước.
Thứ ba là nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi đó sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, khoa học giáo dục và sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia đã và đang đòi hỏi giáo dục phải đổi mới. Trước thực trạng trên, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp... thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các bậc học”... và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”.
ĐIỂM CỐT LÕI CỦA ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO LÀ GÌ?
Theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó là đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả trung ương và địa phương, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nghị quyết cũng chỉ rõ mục đích của đổi mới là để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, từ đó nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân.
Nghị quyết cũng chỉ rõ việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục còn được thể hiện ở chỗ tập trung chuyển từ chủ yếu quan tâm trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học, hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Đồng thời là đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đào tạo từ cách làm chủ yếu quan tâm phát triển về quy mô sang đảm bảo phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục; từ một nền giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông hiện nay, phải xây dựng nền giáo dục có tính “mở”, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Nghị quyết cũng đã chỉ ra những giải pháp và nhiệm vụ thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì khâu then chốt là đổi mới quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giải pháp đột phá là đổi mới công tác kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Vì vậy, để tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo:... Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tổ chức việc học tập, quán triệt tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện nghị quyết này... thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đặc biệt là kiểm tra công tác chính trị, tư tưởng và việc xây dựng nề nếp, kỷ cương trong các trường học, phát hiện và giải quyết dứt điểm các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục và đào tạo...
Với tinh thần trên, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo có ý nghĩa to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới nền giáo dục ở nước ta.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065