>> Bài 1: Lộc Hưng trong cơn "đại khát"
>> Bài 2: Hưng Phước “cháy” trong nắng hạn
>> Bài 3: Lộc Ninh trong khô hạn
>> Bài 4: Hớn Quản: Mất mùa, thiếu nước sinh hoạt
BIÊN GIỚI LỘC THÀNH
TRƯỚC NGUY CƠ TÁI NGHÈO
BP - Hồ thủy lợi phơi đáy nứt nẻ, ruộng lúa bỏ hoang, điều không đậu trái, tiêu giảm sản lượng sâu và nguy cơ chết hàng loạt vì thiếu nước tưới... tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 cao gấp 2 lần so với bình quân cả huyện và với đại hạn hán lịch sử năm 2016, xã biên giới Lộc Thành (Lộc Ninh) đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo rất cao!
HỒ THỦY LỢI PHƠI ĐÁY
Phải có tay lái lụa mới đổ được con dốc sâu thăm thẳm lởm chởm đá nối trung tâm ấp Lộc Bình 1 với hồ thủy lợi mini Lộc Bình 1. Chưa kịp hoàn hồn thì hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh thung lũng chết. Hồ thủy lợi Lộc Bình 1 với diện tích mặt nước khoảng 2,8 ha trơ đáy nứt nẻ, giữa lòng hồ người dân đào vài vũng nhỏ để lấy nước cho trâu bò uống.
Phó chủ tịch UBND xã Lê Vinh lo lắng cho biết: Hồ Lộc Bình 1 trơ đáy nứt nẻ, người dân đã ra giữa hồ múc đất tìm nước cho bò uống
Ấp trưởng Lộc Bình 1 Mạch Văn Ngôn buồn bã nói: Công trình được đầu tư xây dựng năm 2009. Những năm trước, cuối mùa khô mực nước hồ vẫn còn khoảng 2-3m, chưa lúc nào xuống đến ngưỡng nước chết. Tuy nhiên, mùa khô năm 2015 mực nước hồ bắt đầu giảm. Lượng mưa ít nên vụ đông xuân 2015-2016, 70 ha ruộng lúa của đồng bào dân tộc S’tiêng nằm bên kia đê đã phải bỏ hoang vì thiếu nước.
Vượt 10km từ lòng hồ thủy lợi Lộc Bình 1, chúng tôi đến hồ thủy lợi Tà Tê nằm trên biên giới ấp Tà Tê 1. Hồ Tà Tê có diện tích mặt nước 35 ha cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho 4 ấp Tà Tê 1, Tà Tê 2, Cần Dực và K’liêu đã về ngưỡng mực nước chết từ trước tết Nguyên đán. Cả mặt hồ mênh mông nay thu hẹp chỉ còn khoảng 3-4 ha. Xung quanh hồ, người dân đào hàng trăm ao để đặt máy bơm hút nước tưới hồ tiêu. Nhìn mực nước rút cạn từng giờ, Phó chủ tịch UBND xã Lê Vinh lo lắng, vì cứ mỗi ngày mực nước hồ lại tụt xuống khoảng 1cm. Như vậy, 1 tháng nữa hồ Tà Tê kiệt nước. Đó cũng là cao điểm của mùa khô, hàng trăm héc ta hồ tiêu, cây ăn trái và người dân 4 ấp chưa biết lấy nước ở đâu để sinh hoạt hằng ngày...
“ĐẠI GIA” CŨNG KHÓC
14 giờ, cái nắng khô cháy của biên giới len qua lớp áo choàng làm rát da thịt. Những vườn điều không trái giữa mùa thu hoạch, hồ tiêu vàng héo rũ lá vì “khát nước” ở tất cả con đường từ Lộc Bình 1, Lộc Bình 2, Cần Dực... của xã Lộc Thành càng làm “héo” gan ruột nhà vườn.
Ông Ngô Quy Cheo - người nổi tiếng trồng tiêu ở Lộc Thành đã không cầm được nước mắt trước vườn tiêu năm nay giảm 98% sản lượng
Dẫn chúng tôi vào thăm trang trại hồ tiêu tiếng tăm của ông Ngô Quy Cheo (70 tuổi) ở tổ 1, ấp Tà Tê 1, giữa mùa thu hoạch hồ tiêu nhưng vắng lặng không có cảnh người hái vì tiêu không có trái. 6.000 trụ tiêu nhưng sân phơi nhà ông Cheo để không, kho rỗng. Những khu có trái, ông Cheo chưa hái chính đã phải hái xả, chuỗi tiêu chỉ lơ thơ trái lép. Ông Cheo là Việt kiều Campuchia đến Lộc Thành trồng tiêu từ khi hồ thủy lợi Tà Tê được Nhà nước đầu tư xây dựng khoảng năm 1999. Phó chủ tịch Lê Vinh vẫn còn nhớ như in những năm trang trại hồ tiêu của ông Cheo vào thời điểm cho sản lượng cao nhất mỗi vụ thu về 40 tấn tiêu khô. Chỉ riêng năm 2015, tuy sản lượng tiêu giảm do diện tích già cỗi nhưng ông Cheo cũng thu được 15 tấn. Từ đầu mùa năm nay, ông Cheo chỉ thu được vỏn vẹn 4 tạ mà đã hết tiêu để hái. Dự tính năm nay, trang trại hồ tiêu của ông Cheo mất trắng 98%.
Giữa mùa thu hoạch tiêu nhưng ông Cheo chỉ đủ trang trải 4 công tưới tiêu (600 ngàn đồng/ngày) để cầm cự cứu tiêu khỏi chết khát, chờ mùa sau. Mếu máo vì thất mùa, ông Cheo đang tính toán mùa mưa này sẽ thanh lý khoảng 5 ha tiêu già để chuyển qua trồng cao su. Bởi theo ông, tái canh hồ tiêu là việc làm mạo hiểm nên dù giá mủ cao su đã chạm đáy nhưng trồng cao su không sợ thiếu nước tưới.
Xã Lộc Thành có 2.168 ha cây lâu năm, trong đó gần 200 ha hồ tiêu, 582,5 ha điều, còn lại là cao su. Hồ tiêu được trồng chủ yếu xung quanh hồ thủy lợi Tà Tê, hồ Lộc Bình 2 và ấp Tân Bình 1, Tân Bình 2 (có suối bao quanh). Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Thế Bàng cho biết: Năm nay, thời tiết thất thường, mùa mưa tới trễ, lượng mưa ít và kết thúc sớm nên mực nước ngầm giảm sâu. Gần 4 tháng không có trận mưa trái mùa nào nên với vùng đất có đá bàn và đất sét trắng trên biên giới Lộc Thành không giữ được nước dẫn đến tiêu không đậu trái, điều mới ra bông đã cháy khô. Phải 2 tháng nữa mới đến thu hoạch chính vụ nhưng đa phần vườn tiêu đã hết trái phải hái xả. Dự đoán sản lượng điều năm nay giảm 60-70% so với năm 2015. Mất mùa, nhà vườn thất thu không có tiền trả nợ phân bón, ngân hàng. Còn các hộ nghèo thì thất nghiệp vì không có ai thuê hái tiêu, lượm điều.
CHỈ LO DÂN KHÁT
Năm 2015, xã Lộc Thành có 171 hộ nghèo, chiếm 10,6% (cao gấp 2 lần bình quân hộ nghèo huyện Lộc Ninh). Đối mặt với đại hạn hán lịch sử, năm 2016 Lộc Thành đang đứng trước nguy cơ tái nghèo. Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thành LÊ VINH |
Theo báo cáo của UBND xã Lộc Thành, đến giữa tháng 3 toàn xã có khoảng 70% hộ thiếu nước sinh hoạt. Số hộ thiếu nước uống, nước sinh hoạt đang tăng lên từng ngày. Theo khảo sát, hiện Lộc Thành có 7 khu vực thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhiều nhất là 7 tổ của ấp K’liêu với 180 hộ, 6 tổ của ấp Cần Dực khoảng 145 hộ. Hiện các giếng nước của Trường mẫu giáo Hoa Sen sâu hơn 90m chưa năm nào khô cạn nhưng năm nay đã hết nước từ trước tết Nguyên đán. Trường phải xin từng xô nước của dân để phục vụ các cháu. Ở trung tâm xã, người dân chủ yếu nhờ vào giếng nước của UBND xã nhưng nay giếng đã cạn kiệt. Ở hồ thủy lợi Tà Tê có nhiều xe hút nước để bán cho dân. Dự đoán cao điểm nắng hạn mùa khô 2016, xã Lộc Thành cạn kiệt nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Khanh lo lắng, thiếu nước tưới tiêu đành phải chịu, chỉ lo dân khát vì thiếu nước uống và sinh hoạt. Ông Vinh cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay là huyện cho xã khoan giếng công nghiệp với độ sâu 200-250m ở các cụm dân cư tập trung và lâu dài là xin nạo vét, nâng cấp các hồ thủy lợi trên địa bàn tích nước trong mùa mưa, cứu hạn mùa khô...
DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG CÂY HẰNG NĂM GIẢM Năm 2015, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm xã Lộc Thành là 474,1 ha, giảm 233,5 ha so với năm 2014. Trong đó, diện tích lúa 323,1 ha, giảm 61,1 ha; mì 125,2 ha, giảm 132,8 ha; bắp 14,7 ha, giảm 47,3 ha; rau các loại 8,8 ha, tăng 5,4 ha; mía 2,3 ha, tăng 2,3 ha. Theo đánh giá của UBND xã, năm 2015 do thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến trễ và lượng mưa ít nên diện tích các loại cây trồng hằng năm giảm gần 50% so cùng kỳ năm trước. Ông Lê Hồng Khanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Thành cho biết: Trên địa bàn xã có 3 hồ thủy lợi gồm: Tà Tê, Tà Thiết và Lộc Bình 1. Hằng năm, 3 hồ thủy lợi cung cấp nước tưới cho gần 70 ha. Nhưng nay do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước các hồ xuống rất thấp. Hiện hồ thủy lợi Lộc Bình đã cạn nước, 2 hồ còn lại đã “ngấp nghé” mực nước chết. Toàn xã hiện có 1.733 hộ, trong đó khoảng 30% số hộ đang thiếu nước sinh hoạt, 40% số hộ thiếu nước sản xuất. Xã đang khảo sát số hộ thiếu nước, sau đó sẽ kiến nghị UBND huyện, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hỗ trợ bồn nước và cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. V.T |
P.Hà - V.Hùng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065