>> Bài 1: Lộc Hưng trong cơn "đại khát"
>> Bài 2: Hưng Phước “cháy” trong nắng hạn
>> Bài 3: Lộc Ninh trong khô hạn
HỚN QUẢN: MẤT MÙA, THIẾU NƯỚC SINH HOẠT
Cũng như nhiều huyện, thị trong tỉnh, hiện trên địa bàn huyện Hớn Quản đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của người dân. Lúa mất mùa, người dân phải mua nước về cứu cây trồng. Liệu pháp này được bao lâu nếu trời vẫn không mưa?
MẤT MÙA LÚA
Trong cái nắng như thiêu đốt, men theo những con đường phủ bụi dày đặc, chúng tôi đến các cánh đồng lúa ở hai xã Thanh Bình, Phước An. Trải dài trước mắt là cả cánh đồng lúa khô cháy, còn đàn trâu, bò thì bụng căng tròn vì no rơm. Chân ruộng, mương nước nứt nẻ.
Con suối giữa cánh đồng ấp Đông Phất đã khô từ lâu
Xã Phước An có 130/130 ha lúa bị mất trắng, trong đó 115 ha vụ đông xuân và 15 ha vụ mùa. Ông Điểu Tho, Trưởng ấp Tổng Cui Lớn (xã Phước An) cho biết, lúc trước nông dân cứu lúa bằng cách bơm nước từ ao nhưng ao giờ cũng cạn, rát ruột mà không biết làm gì, 35 ha lúa nơi đây đành chờ chết.
1 HỘ KHOAN 18 GIẾNG NƯỚC Bà Lê Thị Hòa ở tổ 1, ấp 8, xã An Khương đã khoan 18 giếng vẫn thiếu nước. Năm 2012, bà khoan 3 cái, sâu từ 18-22m không có nước. Năm 2014, bà khoan thêm 6 cái, sâu từ 20-24m, chỉ cho rất ít nước. Năm 2015, bà khoan kỷ lục 9 cái giếng, trong đó có 6 cái sâu 24m, 3 cái sâu từ 80-90m. Thế nhưng cái giếng thứ 18 khoan xong do quá sâu nên không thể bơm trực tiếp lên vườn tiêu mà phải trải qua 2 công đoạn. Bơm nước từ giếng xả ra ao, rồi từ ao bơm lên tưới tiêu. Chỉ vào cái giếng thứ 1, bà cho biết giờ nước tạm đủ để tưới nhưng một vài tháng nữa sẽ thiếu. Mảnh vườn kế bên của chị Trần Thị Dung cũng đã khoan đến cái giếng thứ 7 để cứu 800 nọc tiêu. Chị Dung cho biết: “Ở đây hầu như nhà nào cũng phải khoan nhiều giếng, có nhà khoan 10 cái, nhà ít nhất cũng 2 cái. 4 năm nay vợ chồng tôi khoan giếng liên tục, không có tiền phải đi vay vì nóng ruột, sợ tiêu chết”. |
Nông dân xã Thanh Bình “khóc ròng” bởi trên 64 ha lúa vụ đông xuân mất trắng. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sống nhờ vào lúa, nay lúa mất trắng, nông dân sẽ sống thế nào? Ông Điểu Phúc ở ấp Đông Phất (xã Thanh Bình) có 4 người con, cái ăn của gia đình trông vào 1 ha lúa, thế nhưng đã nhiều ngày trên cánh đồng này không có nước. Lúa thiếu nước nên thấp lè tè, hạt lép, ông đã cắt bán cho người chăn nuôi làm thức ăn cho trâu, bò với giá 1 triệu đồng. Số tiền này chỉ bằng 1/10 chi phí giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh ông đã đầu tư chưa kể công chăm sóc.
Các xã An Khương, Thanh An cũng bị thiệt hại nhiều. Trong số 110 ha lúa vụ đông xuân, Thanh An có 20 ha mất trắng, 50 ha năng suất giảm 70% và dự kiến thời gian tới chỉ có 154/226 ha có khả năng sản xuất. An Khương tuy có hệ thống đập cung cấp nước nhưng cũng có đến 11,6/25 ha mất trắng. Trước tình hình đó, các xã có diện tích lúa mất mùa đã gửi báo cáo về tình hình hạn hán và đề xuất hướng hỗ trợ nông dân về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.
Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản cho biết: “Năm nay, toàn huyện xuống giống 340 ha lúa. Đến thời điểm này theo điều tra có 195 ha mất trắng, sắp tới có thể tăng thêm. Các nguồn nước hầu như đã cạn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, phối hợp với phòng nông nghiệp, tham mưu UBND huyện có hướng chuyển đổi cây trồng trong những năm tới.
THIẾU NƯỚC SINH HOẠT
Thời điểm này đến xã Thanh An, chúng tôi thấy hoạt động tấp nập nhất là mua bán nước sinh hoạt. Những chiếc xe bồn tròn, bồn vuông có mặt trên hầu hết cung đường. Họ làm xuyên giờ nghỉ trưa nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân. Trong bờ đập hồ thủy điện Sork Phu Miêng, chiều và sáng mỗi ngày có hàng trăm người từ các ấp đổ về tắm giặt và chở nước về phục vụ sinh hoạt.
Hộ chị Trần Thị Mỹ Hòa ở ấp An Sơn (xã Thanh An) chỉ cách đập hồ thủy điện Sork Phu Miêng gần 1km nhưng giếng đào 12m nhà chị đã cạn nước cách nay 4 tháng. 6 người cả lớn lẫn nhỏ và 200 nọc tiêu một tuần sử dụng 4 khối nước, được mua với giá 200 ngàn đồng. “Tắm giặt thì ra bờ đập. Nước mua chỉ dành nấu ăn và tưới cầm cự cho tiêu. Vườn tiêu vừa trồng không thể bỏ đi một đống tiền” - chị Hòa nói. Cạnh nhà chị giếng khoan 80m cũng hết nước 2 tháng nay. Mấy cây điều xung quanh nhà nắng quá không ra bông. Trưởng ấp An Sơn cho biết, tại tổ 6 có một vườn tiêu đã bị bỏ chết héo vì người dân không còn khả năng mua nước tưới.
12 HA CHUYỂN ĐỔI TRỒNG BẮP HIỆU QUẢ Chỉ sau hơn 2 tháng trồng bắp nếp đã đem lại thu nhập cho người nông dân 7 triệu đồng/sào đất ruộng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đây là nhận xét của 20 hộ dân thuộc 2 ấp Sóc Răng và Đông Phất (xã Thanh Bình) khi họ nhận thức được hạn hán có thể kéo dài nên không xuống giống lúa vụ đông xuân. Hộ anh Phạm Văn Huấn ở ấp Đông Phất trồng 2 sào bắp trên thửa đất ruộng đã khô từ lâu. Anh suy nghĩ không trồng được lúa thì trồng bắp, vì cây trồng này cần ít nước hơn lúa. Trong khi giá bắp hiện thương lái vào tận vườn mua 7.000 đồng/kg. Vườn bắp của anh Huấn còn 10 ngày nữa được thu, trái ra đều. Anh nhẩm tính 2 sào sau khi trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Sắp tới anh sẽ thuê diện tích ruộng không trồng được lúa để trồng bắp. Hiện có khoảng 12 ha đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng bắp nếp trên địa bàn xã Thanh Bình. |
Hiện trên địa bàn xã Thanh An đã có 998 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó 429 hộ phải mua nước dùng từ trước tết Nguyên đán. Dự báo số hộ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới khoảng 1.362/2.619 hộ toàn xã. “Trước tình hình thiếu nước nghiêm trọng, UBND xã phối hợp với các ấp, sóc, ban, ngành tuyên truyền, vận động người dân nhận thức được nguy cơ hạn hán ảnh hưởng đến cây trồng, tổ chức nạo vét kênh mương, sử dụng nguồn nước hợp lý; hướng dẫn nông dân chủ động phủ gốc, làm giàn che nắng những cây mới trồng và chuyển đổi cây trồng hằng năm. Với những hộ thiếu nước sinh hoạt, ban ấp vận động hộ xung quanh còn nước giúp đỡ. Xã đã đề nghị có chính sách hỗ trợ phương tiện vận chuyển nước từ Nhà máy thủy điện Sork Phu Miêng cho nhân dân sử dụng” - Chủ tịch UBND xã Lê Thái Cảnh cho biết.
Đến cuối tháng 2-2016, toàn huyện Hớn Quản có 266,8 ha cây lâu năm, 601 ha cây hằng năm và 253 con trâu, bò bị ảnh hưởng do hạn hán. Tổng số hộ thiếu nước 2.418, số hộ có nguy cơ thiếu nước 3.630 hộ và số hộ phải mua nước 924 hộ. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản cho biết: “Phòng sẽ tham mưu UBND huyện trích kinh phí từ quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ phần nào thiệt hại trước mắt cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích lúa bị mất trắng. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân mạnh dạn thu hoạch trước, như hái xả đối với vườn tiêu trong tình trạng thiếu nước để dưỡng cây cho vụ sau. Đối với cây ăn trái đang ra bông trong tình trạng thiếu nước, khó có thể đậu trái, người dân cần mạnh dạn cắt bỏ bông để dưỡng cây, tránh tình trạng cây suy kiệt, ảnh hưởng năng suất vụ sau. Đó là những giải pháp tình thế trước mắt trong điều kiện kinh phí quỹ phòng chống thiên tai còn hạn hẹp. Về lâu dài các giải pháp như đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng cũng cần tính đến”.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065