HƯNG PHƯỚC “CHÁY” TRONG NẮNG HẠN
>> Bài 1: Lộc Hưng trong cơn "đại khát"
BP - Nửa đêm giật mình thức giấc nghĩ ngay đến nước. Sáng ra quán ăn gặp bạn bè chào nhau bằng câu nhà anh còn nước không? Nhiều nông hộ đào ao, nạo giếng, đất đắp thành đồi vẫn không tìm thấy nước. Từ nước uống cho đến nước tưới trở thành câu hỏi nóng ran đi vào tận giấc ngủ của người dân xã Hưng Phước (Bù Đốp) những ngày này.
BẤT LỰC TRONG CƠN KHÁT
Mưa biến mất trên địa bàn xã Hưng Phước đã hơn 3 tháng qua. Nắng và gió khiến mặt đường đất đỏ phủ một lớp bột đất dày. Những bánh xe máy lăn trên đường chạm vào mặt đất tạo thành tiếng nổ lộp bộp lấn át tiếng máy xe. Chỉ cần một chiếc xe máy đi ngược chiều là tôi phải dừng lại để chờ bụi đường tan bớt trong không gian khô khốc mới có thể đi tiếp. Con đường đất từ trung tâm xã Hưng Phước dẫn vào ấp Bù Tam dài chừng 5km nhưng phải mất đến 5 lần dừng xe vì bụi đường dày đặc không thấy lối đi. Hai bên đường, bụi bám đầy trên các bụi gai đã cháy khô. Những vườn tiêu xơ xác. Đồng ruộng cháy khô...
Vụ đông xuân này, 100% ruộng lúa ở xã Hưng Phước bị sa mạc hóa. Người dân ấp Bù Tam đã bỏ mặc cho diện tích cà phê chết trong nắng cháy. Tất cả nhà nông không chỉ ở ấp Bù Tam mà cả xã Hưng Phước đều tập trung mọi nguồn nước để cứu lấy cây hồ tiêu. Thế nhưng toàn xã hiện có 204,65 ha, với 340.000 nọc tiêu đang thiếu nước trầm trọng.
Để cứu vườn tiêu 6.000 nọc của gia đình, ông Phạm Văn Lý đã đầu tư 325 triệu đồng mua đất và thuê xe đào ao nhưng vẫn chưa tìm thấy nước
Gia đình anh Điểu Tư ở ấp Bù Tam có 1.500 nọc tiêu nhưng hiện 500 nọc đã bị úa vàng. 500m2 mặt ao tích nước để tưới cho vườn tiêu của gia đình anh đã cạn hơn một tháng qua. Mới tuần trước, gia đình anh thuê xe múc nạo ao hết 30 triệu đồng nhưng vẫn không tìm thấy nước. Anh gọi người khoan giếng với giá 250.000 đồng/m nhưng vẫn không tìm được giàn khoan nào. Tất cả trái non trên vườn tiêu được anh Điểu Tư tuốt sạch để cứu lấy cây.
Vườn tiêu của gia đình anh Điểu Siêng nằm cạnh vườn Điểu Tư có 700 nọc đang trong thời kỳ cho trái cũng khô héo vì không có nước tưới. Điểu Siêng bấm bụng bỏ mặc những dé tiêu héo úa vì bất lực trước nắng hạn.
Bà Điểu Thị Mỹ ở ấp Bù Tam không nhớ rõ nắng hạn đến từ khi nào, chỉ biết từ mùa Noel đến nay, gia đình đã hết nước sinh hoạt. Trước tết Nguyên đán, gia đình bà còn đi xin nước. Hiện nguồn nước sinh hoạt trong ấp đã cạn kiệt nên bà phải đi mua nước về dùng. Mỗi ngày, gia đình bà phải bỏ ra 20.000 đồng để mua 2 bình nước lọc vừa uống vừa nấu một cách tiết kiệm nhất. Không chỉ mua nước sinh hoạt mà ngay cả nước tưới bà cũng phải đi mua, cụ thể từ đầu tháng 2 đến nay, đã mua 8 xe nước để cứu 1.200 nọc tiêu đang trong thời kỳ cho trái bói.
Đến hết ngày 9-3, số hộ thiếu nước sinh hoạt ở xã Hưng Phước đã tăng lên 192 hộ với 425 người.
ĐÀO BỚI TRONG VÔ VỌNG
Mùa này cách đây hai năm, người dân ấp Bù Tam vẫn còn tìm đến Bưng Phèn để hái môn dại về nuôi heo. Nhờ Bưng Phèn mà bao năm qua gia đình anh Điểu Tư vẫn có đủ nước để tưới cho 1.500 nọc tiêu. Thế nhưng năm nay, gia đình Điểu Tư, Điểu Thành, Điểu Siêng đào ao ngay giữa lòng Bưng Phèn mà vẫn không tìm thấy nước. Phía trên bưng, tiêu héo khô, mặt người buồn rười rượi...
Theo tính toán của người dân xã Hưng Phước, mỗi giếng khoan tìm được nước phải qua 3 lớp đá ở độ sâu tối thiểu 100m. Do vậy, để mỗi giếng khoan có nước sử dụng phải nằm ở mức trung bình 30 triệu đồng. Những gia đình không khoan được giếng đành chấp nhận mua nước sinh hoạt với giá 100.000 đồng/m3, còn nước tưới cho tiêu là 80.000 đồng/m3. |
Không đầu hàng nắng hạn, gia đình ông Phạm Văn Lý đã đầu tư 280 triệu đồng mua 4 sào đất tại ấp Phước Tiến đào ao tìm nước. Khu vực đất ông mua rộng chừng 1 ha nhưng có đến 6 cái ao mới toanh, ao nào cũng thăm thẳm sâu đến nỗi nắng không tìm thấy đáy ao. Chuyện đào ao ở ấp Phước Tiến cũng khá lạ. Để lấy được một lớp đất ở đáy ao, những chiếc xe múc phải di chuyển đến 3 tầng để đưa đất từ tầng thấp lên tầng cao. Ao sâu hun hút, đất chồng lên đất, bờ chồng lên bờ thành dãy núi khổng lồ được người dân trong ấp gọi là “dãy Trường Sơn”. Ngoài tiền mua đất, gia đình ông Lý còn chi 45 triệu đồng thuê xe đào nhưng ao vẫn chưa xong. Đất đào ao đổ thành bãi mênh mông không khác gì những công trình đang thi công. Cùng với ông Lý, gia đình ông Phạm Văn Tiến cũng nạo ao. Nạo không thấy nước, ông lại đào ao mới, mỗi cái hết 30 triệu đồng nhưng vẫn không biết... “hà bá” nơi đâu. Để bắt “hà bá”, xung quanh mỗi ao, người dân khoan từ 2 đến 3, thậm chí 5 giếng khoan với nhiệm vụ bơm nước vào ao. Mỗi giếng khoan phải mất ít nhất 20 triệu đồng mới có nước. Do vậy, để có nước tưới tiêu, người dân phải mất ít nhất cả trăm triệu đồng tiền đào ao lẫn khoan giếng.
MÙA CỦA NHỮNG GIÀN KHOAN
Bước vào đầu mùa khô, hộ anh Nguyễn Văn Công mua giàn khoan giếng hết 23 triệu đồng phục vụ gia đình. Khoan cho gia đình xong, anh Công còn khoan cho bà con lối xóm với mức giá rẻ so với thị trường. Thấy nhu cầu khoan giếng của cả xã quá lớn, anh Công tiếp tục mua thêm 2 giàn khoan tổng 295 triệu đồng. Cả 3 giàn khoan của gia đình anh hoạt động liên tục 24/24 giờ đã hơn một tháng qua. Toàn xã có hơn 20 giàn khoan được quy tụ từ các huyện, thị Bù Đăng, Bình Long, Đồng Xoài, Bù Gia Mập, Phú Riềng về đây hoạt động 24/24 giờ. Vậy mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu khoan giếng của người dân Hưng Phước.
“Diện tích hồ tiêu của xã Hưng Phước trong 2 năm 2014, 2015 tăng đến 200%. Diện tích hồ tiêu và số hộ dân thiếu nước tưới, nước sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng theo ngày. Mạch nước ngầm trên địa bàn xã rồi sẽ cạn kiệt mặc cho chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên trồng hồ tiêu. Hưng Phước đang chìm sâu trong nắng mà không thấy nước”. Chủ tịch UBND xã Hưng Phước Nguyễn Hữu Duệ |
Ông Lê Minh Nghĩa, một chủ giàn khoan ở thị xã Bình Long đang hoạt động ở Hưng Phước cho biết, mỗi ngày có ít nhất 4-5 người gọi khoan giếng nhưng 3 giàn khoan của ông vẫn không thể đáp ứng. Mỗi giếng khoan ở xã Hưng Phước phải mất từ 7-10 ngày. Giá khoan tăng liên tục theo nhiệt độ của nắng hạn. Mới đầu mùa khô, chủ khoan giếng bao tiêu có nước là 15 triệu đồng/giếng; tiền ống, tiền máy bơm người thuê phải trả. Thấy nhu cầu người dân tăng cao, các chủ giàn khoan lại quay sang tính tiền theo mét. Lúc đầu mỗi mét giá 100.000 đồng, sau đó tăng lên 150.000 rồi đến 200.000 đồng. Giếng sâu bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Chưa dừng lại ở đó, hiện giá của mỗi giếng khoan dưới 100m được tính 250.000 đồng/m, nếu sâu hơn 100m thì phải 300.000 đồng/m.
Cả gia đình ba cha con ông Điểu Đắc, ấp Phước Tiến vừa mới thuê giàn khoan ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng với giá 250.000 đồng/m. Tuy nhiên, sau khi khoan 70m không thấy nước, chủ giàn khoan lấy 10 triệu đồng rồi đưa giàn đi nơi khác, mặc cho gia đình ông ngơ ngác trước giếng chưa có nước.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065