LỘC HƯNG TRONG CƠN “ĐẠI KHÁT”
BP - Không nhiều đồi dốc nhưng với cấu tạo địa chất chủ yếu đất cát pha thịt lớp mỏng là chạm đến đá bàn nên mùa mưa ngập úng, nắng đến là Lộc Hưng bị khô hạn. Lộc Hưng cũng là xã khó khăn nhất của huyện Lộc Ninh về thiếu nước sinh hoạt. Và trong cơn “đại hạn hán” của lịch sử thì mùa khô năm nay “cơn khát” càng xảy ra khốc liệt với người dân của xã Lộc Hưng...
MONG GIẢI “CƠN KHÁT”
14 giờ ngày đầu tuần tháng 2, chúng tôi có mặt tại tổ 16, ấp 1 nơi tập trung khu dân cư đông đúc của tụ điểm buôn bán tự phát (chợ tự phát). Trước khuôn viên Hợp tác xã Hưng Thịnh, nhiều người dân tụ tập ngóng chờ từng tấc đất đang được chiếc máy khoan giếng công nghiệp thổi lên. Đây cũng là giếng phục vụ dân sinh được thí điểm khoan đầu tiên ở huyện Lộc Ninh do người dân đang phải chịu đựng “cơn khát” nước sinh hoạt.
Phản ánh về “đại hạn hán”, anh Cao Thành Chiến ở tổ 16 đưa chúng tôi đi xem “cận cảnh” những chiếc giếng của các hộ dân đã trơ đáy từ trước tết Nguyên đán. Anh Chiến cho biết: Mùa khô nào, khu vực này cũng thiếu nước sinh hoạt nhưng cao điểm phải 1 tháng rưỡi nữa các giếng mới cạn kiệt. Do khó khăn về nước nên vào khoảng năm 1994, tỉnh Sông Bé cũ đã đầu tư cho khu dân cư 1 giếng nước (giếng đào) sâu 12m, hiện có khoảng 14 hộ lấy nước uống, sinh hoạt hằng ngày. Giếng tập thể này chưa mùa khô nào cạn nước. Năm nay trước dự báo hạn hán gay gắt, các hộ dân đã nạo vét thêm 2,5m nhưng đến thời điểm này giếng đã gần trơ đáy. Để cầm cự, các hộ dân chia nhau mỗi hộ lấy nước 2 giờ (phải chờ nước chảy lại từ mạch) và dùng tiết kiệm bằng 50% so với trước đây.
Giếng khoan công nghiệp đầu tiên đang được thi công tại tổ 16, ấp 1
Đã hết giờ buôn bán nhưng bà Đoàn Thị Hồng vẫn nán lại để cùng các hộ dân ngóng đợi máy khoan đặt mũi đầu tiên xuống đất. Bà Hồng nhà ở ấp 3, xã Lộc Thái (Lộc Ninh) về buôn bán hàng tạp hóa ở ấp 1 đã 2 năm nay. Mùa khô năm trước tuy có thiếu nước nhưng bà Hồng cũng như nhiều tiểu thương khác được các hộ dân sống xung quanh chia sẻ nước. Riêng mùa khô năm nay quá khắc nghiệt nên từ đầu tháng 1-2016, nhiều hộ dân và tiểu thương đã phải mua nước phục vụ sinh hoạt với giá 60 ngàn đồng/m3. Chỉ sử dụng nước phục vụ bán hàng nhưng bà Hồng cũng phải chi 120 ngàn đồng/tháng. Nay Nhà nước đầu tư giếng khoan cho dân, bà Hồng cũng như các hộ khác đều phấn khởi chờ mong 3 ngày nữa sẽ giải được “cơn khát” nước.
TRƯỞNG ẤP PHẢI LO NƯỚC CHO DÂN
16 giờ cùng ngày, chúng tôi đến nhà Ấp trưởng Vũ Thanh Bình, trên quốc lộ 13 (cách tổ 16 chừng 500m). Anh Bình và các thành viên trong Ban điều hành ấp vừa mới giải quyết xong tranh chấp lấy nước thủy lợi của những hộ dân sống hai bên kênh xi măng Tống Lê Chàm.
Người dân ấp 1, xã Lộc Hưng phải mua nước với giá 60 ngàn đồng/m3
Ấp 1 có 405 hộ là địa bàn rộng nhất, đông dân nhất của xã Lộc Hưng và cũng khó khăn nhất về nước trong mùa khô. Ngay thẳng, nhiệt tình vì chỉ thích “nói đúng, nói thật” từ kinh nghiệm thực tiễn và trên cơ sở phân tích logic khoa học nên anh Bình đã giữ được “chân” ấp trưởng, đại biểu HĐND xã hơn 3 nhiệm kỳ. Anh Bình chân thành nói: “Đang chuẩn bị cho bầu cử nhưng chỉ sợ đơn khiếu nại tập thể của dân”. Khó khăn về nước sinh hoạt nên mùa khô nào Ban điều hành ấp 1 cũng nhận được đơn khiếu nại của dân về vấn đề nước. Chỉ đầu tháng giêng đến nay, ấp đã nhận 2 đơn tập thể yêu cầu “Ấp trưởng phải lo kiếm nước cho dân”, trong đó 1 đơn của 150 hộ.
Theo báo cáo của UBND xã Lộc Hưng, để giải “cơn khát” cho người và cây trồng, gia súc, các ấp trong xã đang rầm rộ phong trào khoan giếng công nghiệp. Đơn cử, chỉ riêng ấp 6 trong tuần đầu tháng 2 đã có 23 giếng khoan công nghiệp do người dân hùn hạp đầu tư. Giá khoan giếng công nghiệp là 450 ngàn đồng/m3, tiền thăm dò mạch nước 3 triệu đồng/giếng. Như vậy, mỗi giếng khoan độ sâu từ 70-100m là 40-50 triệu đồng. Ngày 2-3, sau khi được chọn là ấp thí điểm khoan giếng công nghiệp phục vụ dân sinh, Ban điều hành ấp 1 đã tổ chức họp dân để thống nhất đóng góp nâng bệ cao 4m, tiền mua đường ống và điều hành quản lý để giếng khoan phát huy hiệu quả, không lâm cảnh “cha chung không ai khóc” như hàng trăm giếng khoan tập thể do Nhà nước đầu tư ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh... Trưởng ấp 1 Vũ Thanh Bình |
Anh Bình cho biết: “Do cấu tạo địa chất nên đến mùa khô là giếng nhà dân ở ấp 1 lại phơi đáy, chỉ trông chờ vào nguồn nước thủy lợi. Theo đó, trong mùa khô các hộ dân thường lấy nước thủy lợi cho chảy tràn vào vườn, ngấm xuống giếng đào tạo mạch để lấy nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Do đó, hằng năm trước tết Nguyên đán, Ban điều hành ấp 1 đều nạo vét, vệ sinh tuyến đê xi măng. Năm nay, do nguồn nước dự trữ hồ Rừng Cấm ở xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) ít nên nước thủy lợi phân bổ về cho xã Lộc Hưng cũng hạn chế. Theo lịch, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước chỉ cung cấp nước cho Lộc Hưng 3 giờ/tuần. Nước ít nên nhiều hộ dân lợi dụng bỏ máy bơm mini xuống đường kênh hút nước vào vườn nhà. Tranh giành nguồn nước thủy nông ít ỏi nguy cơ có thể xảy ra đánh nhau giữa các hộ dân nên mỗi khi có nước Ban điều hành ấp lại phải “vác tù và” đi tuần tra, xử lý”.
GIẢI QUYẾT TỪ GỐC
Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Lộc Hưng đến đầu tháng 2, toàn xã có 763 hộ thiếu nước sinh hoạt, tập trung các ấp 1, 2, 3, 4, 5. Hiện người dân đang xoay xở bằng cách chia sẻ nước ở các hộ có giếng khoan, còn lại phải mua với giá 50-70 ngàn đồng/m3. Tuy không còn là xã trọng điểm trồng hồ tiêu nhưng Lộc Hưng có diện tích cây ăn trái lớn như quýt đường, cam, bưởi. Hiện toàn xã có 253 ha cây lâu năm và 35 ha cây ngắn ngày đang trong cảnh “khát nước”.
Khốc liệt trong mùa khô năm nay, UBND xã Lộc Hưng kiến nghị công ty điều chỉnh lịch cấp nước ưu tiên thêm thời lượng nước thủy lợi từ hồ Rừng Cấm cho Lộc Hưng. Phân bổ ở các khu dân cư tập trung đông dân được đầu tư giếng khoan công nghiệp để có đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô...
P. HÀ - V. HÙNG
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065