Nhịp sống hiện đại đang gõ cửa các thôn sóc. Chính vì thế, giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở Bình Phước đứng trước nguy cơ bị quên lãng, mai một. Trong bối cảnh ấy, đội cồng chiêng của các bạn trẻ ấp Bưng Xê đã ra đời. 2 năm nay, vào chủ nhật hàng tuần, chị Thị Hoa, Bí thư Chi đoàn ấp Bưng Xê lại cùng các bạn trong đội văn nghệ, cồng chiêng của ấp tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để luyện đánh cồng chiêng. Đội gồm 11 thành viên, trong đó 2 gái và 9 trai tuổi từ 18-28. Các thành viên trong đội được già làng truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng từ cuối năm 2013 nên giờ ai cũng thành thạo các điệu cồng chiêng của dân tộc mình. Chị Thị Hoa cho biết: Nếu mình không chịu khó học hỏi, tiếp thu thì nghệ thuật cồng chiêng sẽ bị thất truyền. Vì vậy, với vai trò bí thư, tôi luôn động viên các bạn trong ấp tích cực tham gia luyện tập. Bây giờ mình đánh chưa hay, chưa nhuyễn nhưng rồi mình sẽ biết đánh thôi Qua hoạt động này, tôi mong góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình, tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên trong ấp”.
Già làng Điểu Noi đang hướng dẫn các thành viên tập luyện
Tuy thành lập chưa lâu, nhưng đội cồng chiêng ấp Bưng Xê đã khẳng định được khả năng trình diễn. Giờ đây, mỗi khi có lễ hội của ấp, đội lại đến góp vui, giúp buổi lễ thêm long trọng và náo nhiệt. Để duy trì hoạt động, đội cồng chiêng thường xuyên bổ sung thêm thành viên mới thay cho người lập gia đình. Anh Điểu Ngọc Hải, thành viên mới của đội cồng chiêng cho biết: “Trước đây, tôi chỉ biết đánh cồng chiêng sơ sơ. Từ khi tham gia vào đội, tôi học hỏi thêm kỹ thuật đánh chiêng, hòa thanh và hòa âm sao cho nhịp nhàng. Ngoài các bài diễn tấu của dân tộc Xêtiêng, tôi còn tìm hiểu cách đánh cả các điệu thức của cồng chiêng Tây Nguyên và các dân tộc khác”.
Khó khăn hiện tại của đội là bộ cồng chiêng đang thiếu 1 chiếc chiêng Chrau và 1 chiếc trống. Vì vậy, khi biểu diễn vòng hòa thanh của đội chưa thật hay. Đây cũng là điều mà các thành viên trong nhóm trăn trở. Già làng Điểu Noi - người trực tiếp truyền thụ kỹ thuật đánh chiêng cho đội nói: “Cồng chiêng được biểu diễn dưới nhiều tiết tấu khác nhau, trầm hùng, sôi động, dìu dặt khoan thai, tùy vào tính chất của từng sự kiện, như cưới hỏi, lễ hội, đám tang. Vì thế phải học thì mới đánh được. Tôi cố gắng hướng dẫn mấy cháu, tụi nó còn trẻ nhưng có ý thức như vậy già cũng rất mừng. Ngặt một điều là bộ chiêng này đang thiếu 1 cái nên thể hiện tiết tấu chưa thật đạt. Tôi rất mong muốn cấp trên hỗ trợ cho một chiếc chiêng để đội hoạt động tốt hơn”.
Trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Xêtiêng, cồng chiêng được xem là biểu tượng đẹp, là hoạt động mở đầu cho tất cả các hoạt động tập thể. Chính vì thế, việc các chàng trai, cô gái trẻ ấp Bưng Xê đang tìm cách nâng niu, gìn giữ, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng là việc làm rất đáng biểu dương, khích lệ.
Hưng Cát
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065