Nhập môn
Trái hẳn với những công việc khác, nghề chăn ong không tốn tiền học phí, thậm chí trong quá trình học còn có lương. Tùy theo thời gian học mà người chăn ong trả học phí cho người mới vào nghề những khoản tiền khác nhau. Khi tái lập tỉnh Bình Phước vào năm 1997, cả tỉnh chưa có ai hành nghề và sống bằng nghề chăn ong. Anh Vũ Thành Đồng từ ấp 3, xã Tân Lập (Đồng Phú) phải khăn gói lên tận huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để học nghề này. Mỗi tháng, anh được chủ ong trả 1,5 triệu đồng. Đó là nguồn thu khá lý tưởng trong bối cảnh cả gia đình anh không có ruộng vườn. Hơn một năm sau, anh tách ra lập trại chăn ong riêng với 100 thùng. Mỗi năm, anh nhân đàn một ít rồi bán, rồi nhân đàn để lấy ong nuôi ong. Đầu năm 2014, đàn ong của gia đình anh đã lên đến 2.000 thùng.
Anh Nguyễn Văn Độ sau một năm học nghề đã thuần phục được đàn ong
Đó là chuyện học nghề chăn ong của 18 năm về trước, còn hiện tại đã khác. Cách đây 2 năm, anh Nguyễn Văn Độ ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến (Đồng Phú) phải bỏ cả trăm triệu đồng để học nghề chăn ong. 100 triệu đồng bỏ ra đồng nghĩa với việc anh đang có 100 thùng ong. Sau một năm chăn nuôi với chủ, 100 đàn ong của anh cho 7 tấn mật, bán được 294 triệu đồng. Trừ các khoản tiền: đường, bột, phấn hoa cho ong ăn; chi phí vận chuyển, phí kiểm dịch rồi trừ số đàn ong hao hụt, sau mỗi lần lấy mật, anh còn 90 thùng ong. Trước khi trực tiếp ra đồng với ong, anh Độ phải trải qua 3 tháng ở nhà đóng thùng, làm cầu, nền cho đàn ong. Tất cả mọi công đoạn ấy đều do người học nghề tự làm theo hình mẫu có sẵn. Sau 3 tháng làm nhà cho ong thành thục, anh Độ được chuyển sang học cách chế biến thức ăn cho ong.
“Từ đầu năm 2004 đến hết 2014, giá mật ong trên thị trường luôn ở mức cao nên người chăn ong rất phấn khởi. Vài năm gần đây, giá mật ong ổn định quanh mức 45.000 đồng/kg khiến nhiều người đổ xô đi chăn ong. Hiện số hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 hộ với số lượng bình quân 250 đàn/hộ. Khi giá mật tăng cao, một số người nuôi ong bất chấp đạo đức nghề nghiệp, cố tình pha đường cho ong uống để lấy mật. Hậu quả là những người nuôi ong cả tỉnh phải gánh”. Anh Vũ Thành Đồng ở ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú buồn bã nói |
Vị đắng của mật
Đầu tháng 6-2015, các đơn vị thu mua, xuất khẩu mật ong sang thị trường châu Âu, nhất là thị trường Mỹ phải nếm vị đắng của mật. Theo ông Vũ Hoàng Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng Khoa Bình Phước, nguyên nhân chính dẫn đến đối tác trả hàng là do hàm lượng đường trong mật quá cao. Ngay cả bạn hàng lâu năm cũng cố tình đưa hàm lượng đường vào mật lên đến 35%, trong khi tiêu chuẩn chỉ cho phép 5%. Điều này khiến cho người nuôi ong phải trả giá đắt. Đầu năm 2015, giá mật ở mức 45-47 ngàn đồng/kg, đầu tháng 6 rớt xuống còn 28 ngàn đồng/kg. Hiện các đơn vị thu mua không dám đưa ra giá vì không xuất được hàng. Người chăn ong đang lâm vào tình cảnh buộc phải ký gửi hàng để ứng tiền chăn ong với giá 2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên vị đắng của mật không chỉ dừng lại ở việc giá cả thị trường, chất lượng mật cao thấp mà còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường chăn ong.
“Thuốc không biết hút, lửa không biết cầm để có khói, lần đầu mở nắp thùng ong bị đốt túi bụi, nín khóc ôm mặt sưng húp về nhà. Lần thứ hai ra vườn, ong đốt đến nỗi đôi tay tê cứng vì cầm cầu ong không đúng cách. Người chăn ong phải gánh chịu cả trăm trận ong đốt với nhiều lý do bất cẩn khác nhau trong quá trình học nghề”. Anh Nguyễn Văn Độ tâm sự |
Mùa xuân có bông điều, mùa hè có lá cao su, mùa thu có bông tràm, cà phê, mùa đông có bông của cây ăn trái. Tất cả điều kiện tự nhiên cũng như cây trồng bốn mùa trên địa bàn tỉnh trở thành điểm lý tưởng cho người nuôi ong. Tuy nhiên chỉ cần một chút bất cẩn, người chăn ong phải trả giá. Mùa khô năm 2014, anh Tiêu Văn Thành đưa đàn ong từ Quảng Nam về xã Tân Lập (Đồng Phú) để chuẩn bị cho vụ mùa nhân đàn. Đàn ong của anh đặt gần một xưởng chế biến gỗ. Trong lúc gỗ đang được tẩm thuốc để xử lý mối mọt thì đàn ong của anh tìm đến lấy mật. Ăn trúng thuốc, 150 thùng ong của anh chết hết 100 thùng. Còn anh Nguyễn Văn Huy (tỉnh Đắk Lắk) khi đưa đàn ong đi lấy mật cà phê, không ngờ sau một đêm, đàn ong 250 thùng chết chỉ còn 50 thùng. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, trước đó người dân đốt rác thải, bụi tro bay đầy trời rồi rơi xuống bông cà phê. Đàn ong ăn vào bị sình bụng rồi chết. Còn anh Phước ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) cũng phải trả giá đắt khi đặt nhầm các thùng ong trong vườn điều có phun thuốc chống muỗi.
Chuyện tình người chăn ong
Cưới vợ chưa được một tuần, anh Vũ Thành Đồng ở xã Tân Lập phải gác lại chuyện chăn gối để theo đàn ong qua tỉnh Đắk Lắk “ăn” mật. Anh Nguyễn Văn Độ ở xã Tân Tiến sau ngày cưới cũng phải theo ong rong ruổi hết miền Trung rồi lên Tây Nguyên. Còn anh Nguyễn Viết Hải ở xã Tân Tiến sau 5 năm gắn bó với nghề truyền hình cáp cũng bỏ nghề để theo ong. Anh Nguyễn Văn Thanh cùng ấp với anh Hải năm nay đã 25 tuổi nhưng chưa có mảnh tình nào vì mải miết theo ong. Ông Nguyễn Văn Vận ở tỉnh Thái Bình năm nay đã 50 tuổi nhưng cũng xa vợ con ở quê để vào Bình Phước chăn ong. Còn anh Bùi Sĩ Đoàn, sau 15 năm kể từ ngày cưới, năm vừa rồi phải chia tay vợ cũng vì chuyện chăn ong. Với anh, đã gắn bó với nghề chăn ong thì đừng nghĩ đến chuyện ăn cơm ở nhà. Bởi người chăn ong phải cần mẫn, chăm chỉ và chi li giống như vật nuôi của mình mỗi ngày.
“Hôm nay ở Bình Phước, mai lại sang Đắk Lắk rồi vài ngày sau biết đâu lại có mặt ở Nghệ An hay Bắc Giang không chừng. Đời người chăn ong cứ mãi bay theo những đàn ong để tìm mật ngọt ở khắp các vườn cây trên bản đồ hình chữ S này. Nhiều đêm nằm ngửa mặt lên trời mà thao thức, trằn trọc nhớ vợ, nhớ con quay quắt, có ai biết cho đâu”. Anh Bùi Sĩ Đoàn, ở ấp Chợ, xã Tân Tiến (Đồng Phú) chia sẻ |
10 người chăn ong thì hết chục người mượn rượu giải sầu. Mỗi lần đánh mật là một lần say. Họ say không phải vì mật, vì ly rượu cay nồng mà say vì tình đời chăn ong trong những rừng trồng hoang vắng. Trong mỗi lán trại chăn ong bao giờ cũng có nồi xoong, chén bát. Nhưng trong tô cơm của họ thường chỉ có vài con cá khô để đắp đổi qua ngày. Có những đêm rừng ở miền Trung hay Tây Nguyên, trời đổi tính nổi cơn thịnh nộ, gió mưa cuốn bay cả lán trại tạm bợ, người chăn ong đành phải co ro trong tấm áo ni-lông, chịu mưa bão giữa đất trời. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên với muôn vàn khó khăn trong nghề đã khiến cho người nuôi ong xích lại gần nhau hơn. Mỗi lần đến kỳ lấy mật là cả vài chục người chăn ong xúm lại để vần đổi công cho nhau. Sau giờ phút quay cầu lấy mật, họ lại “đánh chén” để chia sớt niềm vui, nỗi buồn và kinh nghiệm trong nghề. Vì thế, dù người mới vào nghề hay đã nuôi ong lâu năm cũng phải chuẩn bị một bữa cơm thật thịnh soạn cho đồng nghiệp sau giờ lấy mật. Sau mỗi bữa cơm tập thể ấy, họ về nhà bỗng thấy nhớ rừng, nhớ những đồi chè hay cà phê, điều, cao su, bằng lăng, tràm bông tung trắng xóa cả một góc trời. Và họ lại tiếp tục lên đường... chăn ong.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065