BPO - Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nên mọi thứ, từ mối quan hệ trong sản xuất kinh doanh đến bí quyết làm ăn và kể cả bí mật đời tư cũng đều được người ta quăng lên đó, bất kể thời gian, không gian và ở bất cứ đâu trên trái đất này. Mặc dù biết pháp luật nghiêm cấm việc xâm phạm thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, song với muôn vàn lý do nên đã và đang có không ít người có thể là vô tình, nhưng cũng có thể là do tò mò hoặc cố ý nên đã phải gánh hệ lụy về việc này.
Hiến pháp là văn bản quy phạm cao nhất của mọi quốc gia và còn được gọi là “luật mẹ”. Tại Điều 21 Hiến pháp 2013 có quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn… Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác… Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Ngoài ra trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, như sau: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định…
Và theo quy định tại các văn bản hiện hành, người nào có hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm này gây ra. Ví dụ như trong trường hợp có hành vi xem lén lút tin nhắn nhưng không có những hành vi tiếp theo trong việc làm phát tán, lưu trữ,... thì có thể sẽ không bị xử lý. Nhưng ngược lại, ngoài việc tự ý xem tin nhắn và còn tiết lộ, phát tán tin nhắn ra bên ngoài nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, thì người vi phạm có thể bị phạt. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 51 trong nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;…
Trong một số trường hợp, những người có hành vi vi phạm này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù. Theo đó, tại Điều 159 của Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018, về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác, như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Và cũng theo quy định tại điều này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Những ai còn đang suy nghĩ rằng, hành vi xem trộm tin nhắn, đọc trộm thư, vào tài khoản facebook,… của người khác là việc bình thường và đơn giản thì hết sức lầm, nhất là các bạn trẻ. Vì có không ít người cho rằng khi đã yêu nhau và đặc biệt là khi đã là vợ chồng thì chẳng có gì mà phải bí mật hoặc giấu giếm nhau. Từ nhưng phân tích trên, mong rằng các bạn đang yêu hay đã thành gia thất, xin đừng bao giờ nói dối, và cũng đừng bao đọc trộm tin nhắn, xem trộm facebook của người yêu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065