Bộ niếng (dụng cụ đồ xôi - PV) của đồng bào dân tộc Thái là một trong những dụng cụ trong nhà quan trọng nhất. Bộ niếng được mệnh danh là “ông vua bếp” thể hiện sự no ấm, đủ đầy trong căn nhà nên rất ít khi cho người khác mượn. Bộ niếng gồm ninh đồng hoặc nhôm, koóng khẩu (chõ đồ hoặc khuôn gỗ), vỉ tre và giỏ mây; trong đó khuôn gỗ là quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo và là yếu tố quyết định sự thơm ngon của thức ăn khi nấu.
Bà Kha Thị Mai chỉ dạy cháu mình về ý nghĩa của bộ niếng trong đời sống đồng bào dân tộc Thái
Bà Kha Thị Mai, dân tộc Thái ở ấp 8, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, cho biết: Chõ đồ xôi được làm bằng thân cây gỗ. Sau khi lựa chọn được cây gỗ vừa ý, người chủ trong gia đình sẽ tự tay đục đẽo. Cây chọn để làm chõ có kích thước vừa phải, loại gỗ tính lành không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Lúc đục phải cẩn thận, tỉ mỉ để vừa giữ cho khuôn không bị vỡ, lòng khuôn tròn đều, mịn đẹp, kích thước khuôn rộng từ 15-20cm, đáy khuôn khoảng 9-10cm để vừa với miệng của ninh đồng. “Mặc dù làm khuôn đồ xôi rất kỳ công, trong khi chõ đồ xôi bằng inox hoặc nhôm có giá chỉ từ 30-50 ngàn đồng/chiếc, song xôi nếp nấu bằng chõ gỗ sẽ ngon ngọt hơn, giữ được vị đặc trưng của nếp, đặc biệt bảo quản được lâu hơn” - bà Kha giải thích thêm.
Cũng theo bà Kha, tổ tiên của đồng bào dân tộc Thái sống ở vùng trung du, miền núi, thường trồng nếp nương và gói cơm nắm đi rẫy nên nếp trở thành món ăn chính và thói quen này truyền lại cho các thế hệ đến tận ngày nay. Người Thái có thể ăn xôi nếp cả ngày vẫn được. Khi nấu xôi đồng bào thường ngâm nếp khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, đãi sạch. Chõ gỗ được đặt trên ninh, trong ninh chứa nước, dưới đáy chõ đặt một vỉ tre và đổ gạo nếp vào. Vì không cần phải đậy kín nên nắp đậy thường được bà con tận dụng những nắp vung nồi khác. Đun với lửa đều khoảng 30 phút là xôi nếp chín rồi đổ ra mâm quạt sơ, sau đó cho vào giỏ mây bảo quản. Vì món ăn nấu bằng phương pháp hấp sẽ ngon ngọt hơn và giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên nên ngoài xôi nếp, đồng bào dân tộc Thái còn có các món ăn như xôi rau, xôi củ quả, xôi khoai mì...
Khi bộ niếng hoàn thành, đồng bào dân tộc Thái sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để rước “ông vua” vào căn bếp của mình. “Ông vua bếp” cũng được rước lên đầu tiên khi đồng bào chuyển nơi ở hoặc xây nhà mới. Dịp tết cổ truyền, bộ niếng được những người phụ nữ trong gia đình đưa ra lau chùi sạch sẽ với ý nghĩa gột sạch bụi bẩn, xui xẻo năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới.
Hồng Ánh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065