Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, Bình Phước nói riêng đang đối mặt với nhiều áp lực, bởi giá xăng dầu, lãi suất, vật tư, điện… đều tăng. Giải pháp lúc này là làm sao tiếp cận được vốn ngân hàng để DN duy trì hoạt động, tránh nguy cơ phá sản.
GÁNH NẶNG XĂNG DẦU TĂNG GIÁ, LÃI SUẤT CAO
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 2 lần làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN ngành vận tải. Xăng dầu tăng giá, dẫn đến chi phí vận chuyển ở tất cả các ngành hàng tăng đã đẩy giá thị trường lên.
Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ nhà hàng Hồng Ty (chuyên kinh doanh ăn uống) ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) than phiền: Giá thị trường tăng làm chi phí đầu vào đội lên. Riêng khâu vận chuyển chiếm 20% tổng chi phí đầu vào. Để cạnh tranh, buộc chúng tôi phải giảm lợi nhuận (chưa bằng 50% so với năm 2011). Mặt khác, vay vốn ngân hàng với mức lãi suất cao (khoảng 17%/năm) cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh cho biết: Tỉnh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách giúp DN vượt qua khó khăn, như giảm thủ tục hành chính, chính sách về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, tạo hành lang pháp lý cho DN. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với DN là lãi suất vốn vay còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt dộng sản xuất - kinh doanh. Chúng tôi mong tỉnh hỗ trợ trong việc tính thuế thu nhập DN, tăng thời gian được miễn thuế đối với DN có tính chất đặc thù, tạo cơ hội cho DN được vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường.
KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY NGÂN HÀNG
Đại diện công ty cổ phần Phú Vinh (Bù Gia Mập) cho biết: Công ty chúng tôi đầu tư nuôi heo sạch, vay vốn tại hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhưng không được với lý do đầu tư sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, khi chúng tôi đem dự án đến làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng ở tỉnh Bình Dương lại được chấp nhận. Không hiểu sao, DN lại không được ngân hàng ở địa phương tạo điều kiện. Điều này khác nào DN trong tỉnh đi “nuôi” ngân hàng tỉnh khác.
Đại diện công ty cổ phần Phú Vinh cho rằng, để cứu DN trong thời điểm này, cần có chế tài đối với nợ xấu. Bởi có đơn vị gặp khó khăn nên chưa có khả năng thanh toán nợ theo hạn định. Ngân hàng cần rà soát, cân nhắc, nếu DN nào có khả năng khắc phục thì cần có chính sách hỗ trợ, cho tái cơ cấu nợ, khoanh và giãn nợ. Còn nếu ngay lập tức đưa DN đó vào vùng nợ xấu thì khác nào “báo tử” cho DN. Trước thực trạng này, ông Đặng Hà Giang, Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chia sẻ khó khăn mà DN đang gặp phải và cho rằng thời gian tới các ngân hàng thương mại cổ phần phải đồng hành, cùng gỡ nút thắt cho DN. Về ông Giang cho biết, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng TMCP điều chỉnh hạn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay của DN.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CỦA CHÍNH PHỦ
Trước thực trạng khó chồng khó của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nghị quyết được xem là động lực, là gỡ nút thắt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hết quý 1-2012, cả nước có khoảng 2.200 DN giải thể, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước và hơn 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động, tăng khoảng 6%. Cùng với khó khăn chung của cả nước, đến cuối năm 2011, Bình Phước có 72 DN giải thể, 105 DN bị thu hồi giấy phép hoạt động. Trong quý 1-2012, toàn tỉnh tăng thêm 239 DN hoạt động nhưng có 6 DN phá sản và nhiều DN đang gặp khó khăn. |
Thời điểm này, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trên địa bàn tỉnh đối với DN ở Bình Phước là 5.241 tỷ đồng (chiếm 34,5% tổng dư nợ toàn tỉnh), với 882 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Thời gian qua, DN tiếp cận vốn từ các tổ chức Chính phủ còn nhiều hạn chế. Ngân hàng TMCP cũng là DN nên khi cho vay thì phải xem xét kỹ. Một trong những lý do các ngân hàng TMCP chưa đáp ứng được nhu cầu của DN là nguồn vốn huy động trung và dài hạn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên nguồn cho vay không nhiều. Ông Giang cho rằng, chưa thể vay vốn tại ngân hàng là do DN thiếu kế hoạch, chiến lược kinh doanh cụ thể, phương án sản xuất chưa thuyết phục, trình độ năng lực quản lý thấp... nên chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Nhiều chủ DN tỏ ra vui mừng vì Nghị quyết số 13 của Chính phủ không chỉ giải quyết được khó khăn cho DN, mà ngay cả ngành ngân hàng, chính sách tiền tệ cũng đã có bước chuyển mình. Đại diện một doanh nghiệp tư nhân chuyên chế biến, xuất khẩu hạt điều tại thị xã Phước Long cho biết: Các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 13 của Chính phủ như “phao cứu sinh” cho cộng đồng DN nói chung. Thời gian tới, tình hình hoạt động của DN sẽ được cải thiện.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065