Sau 2 năm triển khai Quyết định số 2615/QĐ-UBND ngày 12-11-2010 của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp (DN) Bình Phước đã từng bước ứng dụng TMĐT ở quy mô và mức độ khác nhau. Ứng dụng TMĐT mang lại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, số lượng DN đưa TMĐT vào kinh doanh chính chưa nhiều. Thậm chí có DN coi TMĐT như một hình thức “trang trí”...
Doanh nghiệp Mỹ Lệ vẫn quen với cách giới thiệu hàng truyền thống
Đây là DN lớn của tỉnh với hàng loạt ngành nghề kinh doanh phục vụ trong nước và xuất khẩu như: Thu mua chế biến hàng nông sản xuất khẩu; kinh doanh hạt điều thô, cà phê, đậu các loại; kinh doanh thực phẩm chế biến, khai thác sản xuất - kinh doanh nước uống tinh khiết; chế biến hoa quả đóng hộp xuất khẩu; xây dựng và kinh doanh du lịch sinh thái; kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hóa, sân khấu hóa, dịch vụ thể dục - thể thao; kinh doanh nhà hàng khách sạn, phục vụ ăn uống, giải khát. Đặc biệt, DN đã được Sở Công thương hỗ trợ gần 5,5 triệu đồng/năm để tham gia vào Cổng thương mại điện tử quốc gia. Được tham gia với tư cách thành viên “Vip”, DN sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ cổng thông tin này. Nhưng có lẽ, việc thay đổi phương thức kinh doanh, giới thiệu sản phẩm khác với truyền thống vẫn chưa được DN chú trọng.
Website của Công ty TNHH Mỹ Lệ chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm. Việc giới thiệu này cũng không được cập nhật nội dung mới, thay đổi hình ảnh, nội dung sát với biến đổi thực tế của DN. Vì thế, nội dung, hình thức website rất đơn điệu, sơ sài. Theo anh Ưng Quốc Sơn, cán bộ IT của công ty thì nguồn nhân lực dành cho TMĐT rất thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, làm hạn chế việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mua hàng theo kiểu truyền thống vẫn đang là một trong những thách thức lớn đối với việc thúc đẩy phát triển ở các doanh nghiệp.
Hiện tại, Công ty TNHH Mỹ Lệ đang có một gian hàng giới thiệu sản phẩm, hàng tháng phải trả lương cho người trông coi, tốn diện tích trưng bày và người mua phải tới tận nơi mới biết mặt hàng. Nghịch lý ở chỗ, TMĐT sẽ giải quyết những mặt hạn chế này, giúp DN giảm được nguồn chi phí và tăng lượng khách hàng biết đến sản phẩm thì lại đang bị bỏ ngỏ. Với nguồn hàng 95% phục vụ xuất khẩu thì đây là vấn đề mà DN cần quan tâm.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến TMĐT vẫn chưa phát triển, như nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT ở vùng sâu, vùng xa chưa tốt... Anh Ưng Quốc Sơn cho rằng: “Chính hạn chế từ hạ tầng viễn thông tại đây cũng là nguyên nhân khiến DN không chú trọng phát triển TMĐT”. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do DN chưa quan tâm và chủ động trong tiếp cận các thông tin về TMĐT. Trong khi đó, TMĐT hiện được các chuyên gia kinh tế đánh giá là công cụ hiệu quả và cần thiết trong hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập trong tương lai. Vì vậy, để không bị tụt hậu, DN Bình Phước cần chủ động hơn trong nắm bắt các xu hướng phát triển TMĐT để có định hướng phát triển phù hợp.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065