Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Theo phóng viên tại Thái Lan, trong bài phân tích đăng trên báo Bangkok Post ngày 23/5, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), tiến sỹ Nehginpao Kipgen, cùng trợ lý nghiên cứu Aakriti Bansal thuộc trung tâm trên, nhận định đoàn kết khu vực là chìa khóa để các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.
Bài viết cho rằng sự bùng phát của virus corona chủng mới đặt ra mối đe dọa đáng kể cho ASEAN. Điều này chủ yếu là do sự gần gũi về địa lý của khu vực với Trung Quốc và dòng chảy thương mại cao giữa hai bên.
ASEAN chưa từng đối mặt với cuộc khủng hoảng nào như dịch COVID-19. Tính đến ngày 20/5 vừa qua, tổng số ca lây nhiễm được ASEAN ghi nhận đã vượt qua 72.590 trường hợp.
Vì vậy, quy mô lớn của đợt bùng phát dịch bệnh đòi hỏi khu vực này phải hành động kiên quyết và cách tối ưu để ASEAN đối phó với đại dịch là đoàn kết và đồng hành cùng nhau.
Hầu như tất cả các nước ASEAN đang đối phó với giai đoạn thứ ba của đại dịch COVID-19, tức là giai đoạn lây lan trong cộng đồng.
Một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số các quốc gia thành viên là Singapore, với 29.364 ca nhiễm, trong đó có 22 trường hợp tử vong, tiếp theo là Indonesia với 19.189 ca nhiễm tính đến ngày 20-5.
Một số quốc gia thành viên ASEAN khác ghi nhận số lượng những ca lây nhiễm tương đối ít hơn khi so sánh với các nước phương Tây.
Tuy nhiên, dựa trên những thực tế và số liệu hiện có, ước tính trong thời gian tới vẫn sẽ có thêm vài nghìn người trên khắp ASEAN bị nhiễm COVID-19, điều có thể gây ra tác động đáng đối với nền kinh tế khu vực.
Mặc dù các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thảo luận về việc thành lập quỹ khu vực để đối phó với đại dịch, nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ các quốc gia thành viên cần cảnh giác hơn và áp dụng các chính sách tiết kiệm chi phí để giúp làm phẳng đường cong dịch tễ.
Khi các nước thành viên được trang bị y tế đầy đủ hơn để có thể kiềm chế sự bùng phát dịch bệnh trong nước, họ nên bắt đầu giúp đỡ các nước láng giềng khác, vì sự chênh lệch kinh tế giữa các thành viên ASEAN là rõ ràng.
Một bước tiến lớn của khu vực là việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt vào ngày 14/4 vừa qua, bao gồm 10 thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các Bộ trưởng đã đưa ra một số bước đi chống lại đại dịch, bao gồm việc thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN, cùng các cách thức và chiến lược để giảm nhẹ khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này.
Việt Nam kể từ đó đã thực hiện một số hỗ trợ dưới dạng thiết bị y tế, bao gồm đồ bảo hộ chuyên dụng, khẩu trang y tế, các hệ thống xét nghiệm và các bộ xét nghiệm trị giá 304.000 USD cho Lào và Campuchia. Mô hình kiềm chế đại dịch của Việt Nam đã được coi là mô hình chi phí thấp thành công và đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Mô hình chi phí thấp tập trung vào phòng ngừa có chọn lọc nhưng mang tính chủ động này đã phát huy hiệu quả. Các quốc gia thành viên ASEAN khác nên cố gắng thực hiện mô hình chi phí thấp này, vì phương pháp này đã có hiệu quả đối với Việt Nam với việc số lượng các ca lây nhiễm rất thấp.
Cũng theo bài báo, do hoàn cảnh, kế hoạch hành động của ASEAN nên tập trung vào một số bước, gồm các quốc gia thành viên ASEAN nên tiến hành nhiều xét nghiệm hơn và xác định càng nhiều ca lây nhiễm càng tốt trong phạm vi biên giới của họ.
Tính minh bạch của các ca lây nhiễm là chìa khóa để tăng tốc nỗ lực chặn đứng virus corona chủng mới. ASEAN cần phản ứng tập thể và chủ động như một khối thông qua sự phối hợp, tính toàn diện, chia sẻ thông tin và hoạch định chính sách hiệu quả.
Ngoài ra, ASEAN nên phát triển các mô hình hiệu quả về chi phí như sản xuất các bộ xét nghiệm giá rẻ hơn góp phần sớm làm phẳng đường cong dịch tễ.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065