BP - Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với 28 tỉnh, thành phố có biển. Lịch sử phát triển của dân tộc ta luôn gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của đất nước. Vì vậy, đội ngũ ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản được coi như những “cột mốc chủ quyền sống” trên biển. Trong những năm gần đây, do nguồn hải sản ngày càng khan hiếm, cuộc sống mưu sinh của ngư dân thêm phần khó khăn. Cùng với đó là tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu nước ngoài xua đuổi, gây hấn khi đang đánh bắt trên biển làm cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân ngày càng khó khăn hơn.
Một tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67 của ngư dân Bình Định - ảnh internet
Theo thống kê, hiện cả nước có 109.622 tàu khai thác hải sản, tổng công suất trên 10 triệu CV, trong đó có gần 32.000 tàu trên 90CV. Ngoài 925 tàu đóng mới theo Nghị định số 67 được trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển, số còn lại đa phần là tàu vỏ gỗ đã qua nhiều năm hoạt động. Hầu hết là tàu lắp máy cũ, hệ thống thiết bị cơ giới hóa khai thác chưa cao, trang bị về an toàn như phương tiện cứu sinh, cứu hỏa chưa đầy đủ, hệ thống bảo quản sản phẩm không đạt quy chuẩn. Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản toàn quốc đạt 3,421 triệu tấn, xuất khẩu sản phẩm hải sản đạt trên 8,3 tỷ USD, trong đó hải sản khai thác chiếm 2,8 tỷ USD. Theo các chuyên gia về biển, trong 5 năm qua đáng lo ngại là đã có 83 loài hải sản không còn được bắt gặp ở các vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó. Nhóm hải sản tầng đáy giảm tới gần 42% trữ lượng; tổn thất sau thu hoạch hải sản ở mức 15-25%. Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, một phần nguyên nhân là do đội tàu nhỏ dưới 20CV có tới gần 46.000 chiếc, chiếm gần một nửa tổng số tàu cá trên cả nước. Những tàu cá này chủ yếu đánh bắt gần bờ, không có trang thiết bị và làm những nghề vi phạm như giã cào, xung điện... Thêm vào đó, trình độ lao động đi biển của ngư dân rất thấp. Trong số gần 850.000 ngư dân, chỉ có 2% học đến cấp 3; 98% từ cấp 2 trở xuống; hơn 8% ngư dân mù chữ. Nghề cá của Việt Nam hiện vẫn hoạt động theo phương thức khai thác trên diện rộng chứ chưa phát triển theo chiều sâu; việc phân loại, bảo quản sản phẩm cũng như khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, các chuỗi liên kết còn yếu và chưa thực sự hiệu quả.
Từ thực tế những khó khăn của ngư dân và hoạt động nghề cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản, với sự có mặt của lãnh đạo ngành thủy sản 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương có biển cần xây dựng ngành hải sản dựa trên 3 trụ cột là: khai thác theo chuỗi khép kín; tăng cường khâu chế biến gắn với thị trường và ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển nuôi trồng hải sản. Ngành nghề khai thác hải sản có đổi mới, phát triển mạnh thì đời sống của bà con ngư dân mới khá lên được. Ngư dân yên tâm bám biển thì chủ quyền biển đảo càng được giữ vững. Bộ trưởng lưu ý, các địa phương ven biển cần tổ chức lại hoạt động khai thác ở cả 3 lớp (bờ, lộng và khơi); phải quyết liệt trong việc thực hiện các cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; việc cần làm ngay là cấm ngư dân khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài và phải truy xuất nguồn gốc hải sản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã định hướng sản xuất trong năm 2018 của ngành hải sản là duy trì số lượng tàu cá hiện có, tiếp tục tăng số tổ, đội sản xuất trên biển khoảng 4,5 ngàn tổ/đội với sự tham gia của khoảng 13 ngàn tàu cá; giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản. Mục tiêu năm 2018 của ngành hải sản Việt Nam là kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2017. (*)
Đức Hồng
(*) Nguồn “tài liệu hội nghị ngày 5-4-2018 của Bộ NN&PTNT” tại Khánh Hòa
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065