Trong kho tàng các di tích văn hóa lịch sử của đất nước, Dinh Độc lập góp mặt như một trong những di tích quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Những ngày tháng 4 lịch sử này, đông đảo người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lại có dịp về thăm Dinh Độc lập - biểu tượng của chiến thắng, hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Dinh Độc lập ngày nay
|
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Dinh Độc lập trở thành một di tích có giá trị cao về mặt kiến trúc và là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử. Dinh Độc lập hay còn gọi là Dinh Thống nhất hay Hội trường Thống nhất, được người Pháp xây dựng năm 1868 sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ và hoàn thành năm 1871 với tên gọi ban đầu là Dinh Norodom.
Năm 1962, Dinh được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng lại trên nền cũ của Dinh Norodom với mong muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình. Do đó, mọi sự xếp đặt từ nội, ngoại thất đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc Việt Nam.
Dinh được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 12ha được giới hạn bởi 4 trục đường chính. Tổng diện tích sử dụng của Dinh là 20.000m2 chia làm 95 phòng, mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của từng phòng. Riêng khu nhà chính hình chữ T có diện tích mặt bằng là 4.500m2, cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, gồm có tầng hầm, tầng nền, 3 tầng lầu, 2 gác lửng và sân thượng. Sau năm 1975, khu nhà chính này tiếp tục được sử dụng một số phòng, còn lại để phục vụ du khách tham quan.
Từ khi hình thành đến nay, Dinh Độc lập là nơi chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Khởi đầu là sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương, giai đoạn tiếp theo là sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Nhưng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45 ngày 30-4-1975 xe tăng mang số hiệu 843 của Quân Giải phóng thuộc Đại đội 4, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc ta.
Dinh Độc lập lại là nơi chứng kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Từ đây lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới và Dinh Độc lập trở thành di tích lịch sử mang tính biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Trong khuôn viên Dinh Độc lập vẫn con hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 của quân giải phóng như một minh chứng lịch sử hùng hồn cho đại thắng của dân tộc ta.
Ngày nay, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là cơ quan trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam và là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trong hoạt động du lịch văn hóa của TP.Hồ Chí Minh, Dinh Độc lập giữ một vai trò quan trọng, là điểm đến của hầu hết các đoàn tham quan và là một trong những địa điểm thu hút số lượng khách tham quan đông nhất tại các di tích - bảo tàng tại TP.Hồ Chí Minh với gần 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như, hướng dẫn viên Di tích lịch sử Dinh Độc lập cho biết, những ngày này không chỉ người dân trong nước mà rất nhiều đoàn kết quốc tế cũng đến tham quan. Hiện, Dinh Độc lập lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật. Đây còn là điểm đến ý nghĩa đối với nhiều bạn trẻ muốn học tập, nghiên cứu về lịch sử qua các hiện vật được lưu giữ tại đây.
Hòa trong dòng người đến tham quan Dinh Độc lập, bạn Đoàn Hồng Ngọc, sinh viên Khoa Lịch sử-Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ niềm tự hào và bày tỏ mong muốn tìm hiểu, thực hiện một đề tài lịch sử để bạn bè năm châu biết đến Dinh Độc lập - nơi đã đánh dấu chiến công lừng lẫy trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử của quân và dân ta và kết thúc đại thắng vào trưa ngày 30-4-1975 khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai vị khách Harold và Barbara, Quốc tịch Australia lần đầu tiên đến Việt Nam cũng tranh thủ đến để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc Dinh Độc Lập và chia sẻ: Đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo và có bề dày lịch sử. Qua những hình ảnh và hiện vật lưu giữ ở đây, chúng tôi càng hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước, nhân dân Việt Nam đã trải qua gần 40 năm về trước.
Theo Ban Quản lý Dinh Độc lập, trong thời gian tới, để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Dinh Độc lập, Hội trường Thống Nhất, đơn vị đang lập đề án “Đổi mới công tác trưng bày và thuyết minh tại Di tích lịch sử Dinh Độc lập” nhằm tăng sự phong phú, sống động, hấp dẫn trong công tác trưng bày, thuyết minh để thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể, từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng nhà trưng bày về Dinh Độc lập qua các thời kỳ; đổi mới lộ trình tham quan và hình thức thuyết minh bằng các pano, biển báo, biển chú thích, bảng tên phòng; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong và ngoài nước phục vụ công tác trưng bày.
(Theo Baotintuc.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065