Từ năm 2013 đến nay, các hoạt động của Ban Chỉ đạo được triển khai khá toàn diện, chú trọng cả phòng ngừa và chống tham nhũng, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Ban Chỉ đạo. Trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, Ban Chỉ đạo đã thành lập 25 Đoàn công tác do các thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc tại 15 Đảng ủy, Ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương và 29 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc, các đoàn công tác đã kiến nghị chỉ đạo xử lý, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; đồng thời chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các kết luận thanh tra kinh tế-xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 để phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật..., góp phần tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, được dư luận xã hội đồng tình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.” Ban Chỉ đạo đã chọn những việc, những khâu khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, những lĩnh vực trọng tâm để chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Xử lý nghiêm để răn đe
Tính đến sau Phiên họp thứ 8 (tháng 9-2015) của Ban Chỉ đạo, tổng số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 19 vụ án (trong đó có 2 vụ chia thành 6 vụ thành phần, tổng cộng là 23 vụ án) và 2 vụ việc. Ban Nội chính Trung ương đang theo dõi, đôn đốc việc xử lý 24 vụ án, 3 vụ việc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 73 vụ án, 87 vụ việc.
Tại phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm. Thực hiện chủ trương trên, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến.
Các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc được khẩn trương điều tra làm rõ và đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tiêu biểu như các vụ: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; vụ án làm thất thoát 966 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6; vụ “Tham ô tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Công ty cho thuê tài chính 2-Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là ALC II); vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại Công ty chế biến thủy sản Phương Nam (công ty Phương Nam) và 5 ngân hàng; vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo việc cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; giải quyết tình trạng tham nhũng vặt; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong phòng, chống tham nhũng.
Để phòng ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế trong hoạt động tín dụng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các cơ quan Tư pháp Trung ương đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để thu hồi tài sản cho các tổ chức tín dụng; xử lý tốt mối quan hệ theo pháp luật giữa các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại với các vụ án hình sự có liên quan đến các tổ chức tín dụng...
Việc Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; tập trung chỉ đạo một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra cả về hành vi và đối tượng, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, áp dụng mức án đủ nghiêm, đã có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được Ban Chỉ đạo, các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo, đôn đốc nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống tham nhũng trước mắt cũng như lâu dài.
Nhiều văn bản quan trọng về phòng, chống tham nhũng và kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước đã được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành. Mới đây, ngày 7/12/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng thời gian qua thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, được bạn bè quốc tế đánh giá tích cực.
Các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Cải cách hành chính là một trong những giải pháp để vừa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vừa phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015 và 2016; Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện đầu tư có sử dụng đất; Nghị quyết về một số giải pháp về thuế…
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chú trọng việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2015; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan để cải thiện môi trường kinh doanh, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; áp dụng cơ chế một cửa liên thông hiện đại; ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu, hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ nhu cầu của người dân và xã hội.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065