* Có sự “chung chi” giữa doanh nghiệp và cán bộ kiểm lâm.
* Công an tỉnh đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 9 bị can.
* Hơn 6,3 tỷ đồng tiền bán đấu giá vật chứng.
Trong năm 2010, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc hơn 1.879m3 gỗ trái phép tập kết tại 34 điểm trong các vườn điều ở 2 xã Đường 10 và Đắk Nhau (Bù Đăng). Sau khi vào cuộc, các lực lượng chức năng của tỉnh đã làm rõ được những vấn đề liên quan đến số gỗ nói trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố những người có trách nhiệm liên quan đến 1.879m3 gỗ được cất giấu trong các vườn điều.
GỖ… VÔ CHỦ?
Sau khi có thông tin về việc tập kết gỗ lậu trong vườn điều để chờ tiêu thụ tại địa bàn 2 xã Đường 10 và Đắk Nhau (Bù Đăng), thì trung tuần tháng 6-2010, bộ phận chức năng của Công an tỉnh đã vào cuộc để tiến hành kiểm tra. Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 34 điểm cất giấu gỗ trái phép với số lượng hơn 1.879m3 từ nhóm II đến nhóm VIII.
Ngày 15-6-2010, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” để làm rõ tính chất của vụ việc. Theo hồ sơ vụ án, thời gian này trên địa bàn xã Đường 10 và Đắk Nhau có một số công ty, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở chế biến gỗ đã dùng thủ đoạn mua gỗ lậu về trộn lẫn với số gỗ có dấu búa của kiểm lâm (gỗ hợp pháp) để cưa xẻ bán ra thị trường. Với thủ đoạn trên, các cơ sở, doanh nghiệp đã tìm đến một số hộ dân hám lợi trong vùng dùng xe ô tô cải tiến qua tỉnh Đắk Nông thu gom gỗ lậu về bán lại. Gỗ lậu từ Đắk Nông chuyển về được các hộ dân này cất giấu trong vườn điều nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Gỗ lậu được chở bằng xe cải tiến về cất giấu trong vườn điều
Trong vụ này, nổi lên một số nhân vật cộm cán như Đặng Ngọc Kiều (1966), tên thường gọi là Kiều nám, trú tại Bù Ghe, Đắk Nhau. Từ tháng 5-2010, Kiều nám cùng với hai con trai của mình và một đối tượng khác dùng 2 xe cải tiến qua Đắk Nông mua tổng cộng 15 chuyến gỗ, chở về cất giấu chờ bán. Mỗi chuyến đi, Kiều chở từ 3-5m3 gỗ. Ngày Kiều nám bị bắt, công an kiểm kê, xác định được số gỗ còn tồn giấu là 58,163m3 từ nhóm II đến nhóm VIII. Đối tượng thứ hai là Đào Văn Hùng (1970), trú tại xã Đắk Nhau và Nguyễn Thành Thanh (1977), trú tại xã Bom Bo. Thành Thanh là chồng của Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Loan Anh có đăng ký kinh doanh ngành nghề là khai thác, chế biến gỗ và lâm sản tại xã Bom Bo. Sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, Loan mua gỗ có giấy tờ hợp pháp để xẻ bán hoặc chế biến. Loan cùng Thanh bàn với Hùng góp vốn mở xưởng cưa tại xã Đắk Nhau để làm ăn. Sau khi hợp tác, Hùng bàn với Thanh mua gỗ về xẻ ra bán kiếm lời. Từ tháng 5-2010, Hùng đã liên hệ với nhiều đối tượng khác để mua gỗ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại xưởng cưa Loan Anh còn tồn 152,576m3 gỗ không có giấy hợp pháp từ nhóm II đến nhóm VIII.
Ngoài ra, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh còn phát hiện và làm rõ thêm một số đối tượng khác có tham gia vào việc mua bán, tàng trữ gỗ trái phép.
SỰ “CHUNG CHI” VỚI CÁN BỘ KIỂM LÂM
Giữa tháng 5-2010, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phân công một số thành viên của đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 bao gồm:Võ Công Thành, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thành Sơn và Nguyễn Duy Tân thực hiện truy quét các đối tượng vi phạm lâm luật trên toàn địa bàn tỉnh. Tổ truy quét do Võ Công Thành, Đội phó đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 làm tổ trưởng, thời gian thực hiện nhiệm vụ từ ngày 15-5 đến ngày 31-5-2010. Ngày 25-5-2010, tổ kiểm tra của Võ Công Thành đến huyện Bù Đăng làm nhiệm vụ. Tại đây, Thành phân công nhiệm vụ cho Tân, Sơn xuống các địa bàn Nông lâm trường Đồng Nai, còn Thành và Dũng được sự phối hợp của Võ Tấn Long, Hạt kiểm lâm huyện và Nguyễn Văn Thành, Trương Hoàng Tiên (là cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Đắk Nhau) đến xã Đắk Nhau để kiểm tra.
Được biết, trước khi vụ án xảy ra, xã Đắk Nhau đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ rừng của xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Hai phó ban bao gồm kiểm lâm địa bàn xã Nguyễn Mạnh Hùng, phó ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng Huỳnh Văn Nghĩa. Các thành viên trong ban gồm xã đội trưởng, trưởng công an xã, cán bộ địa chính xã. Đến tháng 3-2011, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm làm Hạt phó Hạt kiểm lâm Bù Đăng thì ông Nguyễn Văn Thành được phân công về làm phó ban thường trực, còn ông Trương Hoàng Tiên là thành viên ban chỉ đạo bảo vệ rừng của xã Đắk Nhau. Tuy được thành lập nhưng do trưởng ban không phân công nhiệm vụ cho các thành viên để thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, nên trên địa bàn hai xã Đắk Nhau và Đường 10 đã tồn tại 34 điểm tập kết gỗ lậu giấu trong vườn điều mà không bị phát hiện.
Khi đến cơ sở chế biến gỗ Vượng Phát ở thôn 5, xã Đường 10 do Nguyễn Trần Vũ làm giám đốc thì phát hiện một xe cải tiến chở khoảng 3m3 gỗ từ trong ra. Qua kiểm tra, số gỗ này và 3m3 khác trong xưởng đều không có dấu búa kiểm lâm và không có giấy tờ chứng minh sự hợp pháp của lô hàng. Giám đốc Vũ năn nỉ xin tổ tịch thu 3m3 trên xe, không lập biên bản tịch thu gỗ trong xưởng và hứa sẽ có “bồi dưỡng” xứng đáng. Nghe vậy, Thành hội ý chớp nhoáng với các thành viên khác và đọc cho Trương Hoàng Tiên ghi biên bản chỉ thu giữ 3m3 gỗ đã chở trên xe cải tiến với nội dung “phát hiện gỗ ngoài vườn điều vắng chủ”. Còn biên bản kiểm tra xưởng thì Thành đọc không phát hiện sai phạm. Sau đó, Vũ cho xe cải tiến chở 3m3 gỗ ra chốt kiểm lâm ở cầu sông Lấp nộp và cũng được Nguyễn Văn Thành thể hiện trong văn bản phát hiện gỗ ngoài vườn điều vắng chủ. Hôm sau, Vũ tìm gặp và đưa cho Thành 5 triệu đồng tiền bồi dưỡng.
Cùng ngày 25-5, tổ truy quét của Thành tiếp tục kiểm tra cơ sở chế biến gỗ của DNTN Hùng Cường và phát hiện 6 lóng gỗ trái phép. Tổ của Thành đã lập biên bản thu giữ 4 lóng “vắng chủ”. Sau đó, chủ doanh nghiệp này tìm gặp Thành để đưa 5 triệu đồng tại chốt cầu sông Lấp. Ở Công ty TNHH Phú Lộc Phát do Ngô Đình Quang làm giám đốc, vì đường lầy nên tổ kiểm tra đã không vào được và đã yêu cầu chủ cơ sở này mang giấy tờ ra quán nước để kiểm tra. Dù không kiểm tra được tại xưởng gỗ nhưng trong biên bản kiểm tra thể hiện không phát hiện gỗ trái phép và yêu cầu mang 4 lóng gỗ không giấy phép ra nộp. Tối hôm đó, tổ kiểm tra của Thành gọi điện cho Quang ra chốt kiểm lâm ký giấy tờ. Tại đây, Quang rủ Thành, Nguyễn Văn Dũng và Hiếu đi xã Minh Hưng nhậu. Trong lúc ăn nhậu, Dũng gọi Quang ra ngoài nói về tiền bồi dưỡng để khỏi gây khó dễ. Hiểu ý, Quang đưa cho Dũng 5 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Võ Công Thành còn khai: Buổi chiều hôm đó, sau khi kiểm tra cơ sở của DNTN Hùng Cường, thì chủ doanh nghiệp này đến chốt kiểm lâm đưa cho Thành 5 triệu đồng. Nhưng khi làm việc với công an, chủ doanh nghiệp này không thừa nhận việc mình đưa tiền cho Thành. Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp nói trên, Thành và Dũng còn khai nhận 15 triệu đồng của 3 cơ sở chế biến gỗ khác. Số tiền này được chia cho 5 người trong đội, mỗi người 3 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã xác định về việc người dân ở hai xã Đường 10 và Đắk Nhau đã sử dụng khoảng 40 xe ô tô cải tiến qua tỉnh Đắk Nông vận chuyển gỗ về cất giấu và bán kiếm lời. Qua đấu tranh, Công an tỉnh đã phát hiện và thu hồi số gỗ trái phép tại 34 điểm tập kết gỗ trong các vườn điều xa nhà dân. Sau khi bị phát hiện và thu giữ số gỗ trái phép này thì có tới 30 chủ xe ô tô cải tiến đã bán xe và bỏ đi nơi khác, gây khó khăn cho công tác điều tra.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Theo kết luận số 221/KLĐT- PC16 của cơ quan Cảnh sát điều tra ngày 7-3-2011, Công an tỉnh nhận định đây là vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ; Đưa, nhận hối lộ”. Vụ việc do các bị can Võ Công Thành, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thành, Trương Hoàng Tiên, Võ Tấn Long, Đào Văn Hùng, Nguyễn Thành Thanh, Đặng Ngọc Kiều và Nguyễn Trần Vũ đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện.
Theo đó, các bị can Võ Công Thành, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thành, Trương Hoàng Tiên, Võ Tấn Long đã đủ các yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại khoản 2, Điều 281 của Bộ luật Hình sự. Các bị can Đào Văn Hùng, Nguyễn Thành Thanh, Đặng Ngọc Kiều đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, được quy định tại khoản 2, Điều 175 của Bộ luật Hình sự. Riêng bị can Nguyễn Trần Vũ đã cđủ yếu tố cấu thành tội “Đưa hối lộ”. Còn trường hợp của Ngô Đình Quang có hành vi đưa 5 triệu đồng cho tổ kiểm tra, nhưng cơ quan chức năng nhận định là không đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội. Không có tài liệu nào chứng minh việc chủ doanh nghiệp Hùng Cường cho tiền Võ Thành Công và chủ doanh nghiệp này không thừa nhận việc mình đưa tiền nên không đủ cơ sở xác định tội danh đưa hối lộ.
Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra còn đề nghị các đơn vị chức năng xem xét xử lý kỷ luật một số trường hợp có hành vi thiếu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật như chủ tịch UBND xã Đắk Nhau, Nguyễn Văn Nghĩa, Phó ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng Huỳnh Văn Nghĩa... Đối với số gỗ hơn 1.879m3 là vật chứng của vụ án đã được cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định xử lý bán đấu giá sung vào ngân sách được 6 tỷ 351 triệu đồng. Căn cứ vào nội dung, tính chất của vụ án và những quy định của pháp luật, cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 9 bị can nói trên ra trước pháp luật theo các tội danh đã nêu.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065