Những ngày qua, khi clip học sinh phổ thông trung học xé tài liệu các môn không thi tốt nghiệp, trong đó có môn Lịch sử được đưa lên mạng đã làm xôn xao dư luận và gióng lên một hồi chuông cảnh báo về ý thức, văn hóa của học sinh. Bài viết này, không đề cập đến vấn đề ý thức hay văn hóa ứng xử của học sinh, mà đề cập đến một khía cạnh khác đó là việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp hiện nay của Bộ Giáo dục - Đào tạo đối với học sinh phổ thông trung học.
Trong số sáu môn thi tốt nghiệp hàng năm thì có ba môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Những môn còn lại (Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Sinh học, Hóa học) được thay đổi hàng năm. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là một sự lựa chọn đúng đắn bởi đây là ba môn mang lại những kiến thức phổ biến, cơ bản và thường được vận dụng nhiều trong thực tiễn đời sống, nhất là trong điều kiện hiện nay khi chúng ta đang mở cửa, hội nhập và giao lưu với thế giới. Tuy nhiên, nghĩ một cách sâu xa hơn, đây lại là điều đáng để bàn và suy ngẫm.
Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh không muốn học, thi rớt tốt nghiệp và đại học môn Lịch sử rất đáng báo động. Điều đó phải chăng là học sinh không quan tâm, đầu tư cho môn Lịch sử hay tại chúng ta đang lơ là, buông lỏng và việc dạy học môn Lịch sử ngày càng trở nên nhạt nhẽo, không truyền được cảm hứng cho người học. Có lẽ, có cả hai lý do nêu trên và việc không chọn môn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp bắt buộc là nguyên nhân đưa đến hệ lụy này. Đành rằng, trong xu hướng phát triển và hội nhập, ngoại ngữ luôn đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối giúp chúng ta mở rộng quan hệ, giao lưu và có vị thế trên trường quốc tế. Nhưng dù quan trọng thế nào đi chăng nữa thì việc giáo dục truyền thống lịch sử cho mỗi người Việt Nam, nhất là lớp trẻ phải luôn được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, đó là sự thể hiện lòng tự tôn dân tộc, củng cố và bồi đắp lòng yêu nước, yêu quê hương.
Tại sao chúng ta không chọn môn Lịch sử là môn thi bắt buộc để giáo dục truyền thống lịch sử ngàn đời của cha ông đến lớp trẻ mà lại chọn môn ngoại ngữ. Phải chăng việc dạy cho lớp trẻ phải biết ngoại ngữ để mở mang tầm nhìn, mở rộng và tiếp thu những giá trị văn hóa thế giới quan trọng hơn việc giáo dục những truyền thống lịch sử hào hùng bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc. Đến một lúc nào đó, mọi giá trị truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc sẽ bị lãng quên, phai nhạt, thế hệ trẻ rồi sẽ ra sao khi họ không biết gì về cội nguồn của tổ tiên, nòi giống. Lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông sẽ trở thành hư vô, mờ ảo. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ có tội với tổ tiên, với những người đã hy sinh xương máu để đổi lấy cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Qua sự việc trên, mong rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo, các nhà khoa học, giáo dục, các nhà nghiên cứu chính sách sẽ có những lựa chọn, điều chỉnh, hoạch định đúng đắn để khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học lịch sử để môn lịch sử, không chỉ là một môn học đơn thuần, thứ yếu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thế Hoan
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065