* Điều 73 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có 4 khoản, là những quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội... Trong đó, Khoản 1 có nội dung như sau: 1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quy định tại Điều 96 và Điều 97 của luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có giấy chứng nhận.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, do đó nếu được thông qua thì sẽ rất khó thực thi. Vì, trong nội dung của khoản này có quy định cụ thể là “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất” thì mới được bồi thường. Vậy với người có đất nhưng đang cho người khác thuê hoặc mượn để canh tác, trồng trọt hay giao khoán thì sẽ không được bồi thường, do họ không trực tiếp sử dụng. Thực tế ở Bình Phước hiện nay có rất nhiều người không phải nông dân, mà họ là cán bộ, công chức không trực tiếp sản xuất nhưng có đất cho người khác giao khoán, cho người khác sử dụng. Thậm chí có hộ đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn 5 hay 7 năm, thậm chí là 10 năm. Như vậy, người nhận sang nhượng quyền sử dụng có thời hạn này là người đang trực tiếp sản xuất, nhưng không phải là người có quyền sử dụng đất (một hình thức thuê đất và trong dân gian gọi là bán rẫy non).
Vì vậy, tôi đề xuất ở khoản này cần bổ sung cụm từ “trực tiếp hay không trực tiếp” vào sau cụm từ “cá nhân” và bổ sung cụm từ “mà đất đó” vào sau cụm từ “sử dụng đất”. Như vậy, Khoản 1 của Điều 73 sẽ được viết lại như sau: 1. Hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp hay không trực tiếp sử dụng đất mà đất đó không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quy định tại Điều 96 và Điều 97 của luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có giấy chứng nhận.
* Điều 63 là quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai gồm: 1... a) Sử dụng đất không đúng mục đích;...g) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền; h) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; việc chấp thuận chỉ được thực hiện một lần và không quá thời hạn mười hai (12) tháng...
Cũng theo quy định tại Khoản 2 của điều này thì việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Tức là cơ quan có thẩm quyền muốn thu hồi đất của đối tượng cụ thể nào đó thì phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Ví dụ như quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, với lỗi của người sử dụng đất là có hành vi hủy hoại đất hoặc để đất bị lấn chiếm trái phép... Hoặc đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong 18 tháng liền;...
Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu trong luật quy định như trên thì sẽ gây khó cho cơ quan chức năng của Nhà nước. Vì với từ “liền” ở đây được hiểu là liên tục, hơn nữa việc xác minh người được cấp đất nhưng không sử dụng trong 12 tháng hay 18 tháng hoặc 24 tháng liền không hề đơn giản. Vì, ai ở cơ quan nào là người thực hiện việc này? Vì vậy, tôi đề xuất là ở các điểm g, h, trong Khoản 1, Điều 63 cần lược bỏ các từ “liền”, mà chỉ cần quy định cụ thể là trong thời hạn 12, 18 hay 24 tháng đối với từng loại đất mà không sử dụng thì phải bị thu hồi. Có như vậy mới đảm bảo việc thực thi của điều luật được nghiêm minh, dễ dàng cho cơ quan có thẩm quyền.
* Khoản 3, Điều 185, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định: 3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là không hợp lý. Vì thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy phần lớn những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp là nông dân và không có điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật, đất đai... để tổ chức sản xuất lớn. Trong khi đó, xã hội có rất nhiều người tuy không “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” nhưng có thể có tiềm lực để phát triển cánh đồng mẫu lớn; đầu tư phát triển trang trại với mô hình khép kín... và họ sẵn sàng thuê người làm. Vì vậy, tôi đề nghị ở Điều 185 nên lược bỏ Khoản 3.
Hòa Bình (Tân Lập - Đồng Phú)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065