Hiện đàn tính, hát then được phổ biến rộng rãi, nhiều câu lạc bộ (CLB) về loại hình nghệ thuật này được thành lập ở Bình Phước. Vậy điều gì đã giúp đàn tính, hát then trường tồn mạnh mẽ trên đất Bình Phước?
QUYỀN NĂNG CỦA TIẾNG ĐÀN, ĐIỆU HÁT
Có rất nhiều truyền thuyết nói về sự ra đời của làn điệu then, có người nói hát then bước ra từ một giấc mơ, hay ra đời trong một trận chiến. Bà Triệu Duyên Sinh ở xã Thọ Sơn (Bù Đăng) cho biết: “Người ta gọi đàn tính là đàn then. Then là từ biến âm của chữ thiên - tức trời. Tương truyền, trong một giấc mơ vàng, bà bụt (người chuyên sử dụng đàn then vào việc cúng lễ) được ban cho cây đàn trời và dạy các bài hát then. Theo một truyền thuyết khác, then ra đời khi nhà Mạc thất thủ, vua Mạc Kính Cung dời lên Lạng Sơn, Cao Bằng làm căn cứ chống nhà Lê vào cuối thế kỷ XVI. Lúc đó, quân sĩ vừa nhớ nhà vừa lạ nước nên mắc bệnh rất nhiều. Trước thế sự không vui, vua sai hai quân thần thân cận sáng tác điệu hát để giải khuây. Khi nghe điệu hát này, rất nhiều quân sĩ khỏi bệnh. Từ đó, vua truyền cho phổ biến rộng rãi điệu hát trong dân chúng. Hát then là điệu hát “thần tiên”, bởi khi điệu then cất lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ”.
Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Bình Minh biểu diễn tiết mục “Hướng về Bình Phước quê em”
Là hình thức nghệ thuật tổng hợp vừa có lời, vừa có nhạc, hóa trang và có biểu diễn nên đàn tính, hát then làm thỏa mãn tất cả giác quan, cung bậc cảm xúc của người xem cũng như người biểu diễn. Do đó, then có mặt trong mọi hoạt động của đồng bào Tày, Nùng như: cầu mùa, hội làng, mừng năm mới, ngày cưới... thậm chí cả trong những lúc buồn. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện lại, tạo cho người nghe những cung bậc cảm xúc với sức lôi cuốn cao.
“LINH HỒN” CỦA ĐIỆU HÁT
Ở Bình Phước, hát then là làn điệu dân ca phổ biến được nhiều người yêu thích, nhưng người biết hát then, nhất là biết sử dụng đàn tính thì rất ít. Bà Lý Thị Vảy (55 tuổi), thành viên CLB đàn tính, hát then xã Bình Minh (Bù Đăng) cho biết: “Điệu hát then thấm vào máu của tôi từ nhỏ, nhưng đàn tính thì không biết sử dụng, bây giờ mới học”.
Bộ nhạc sóc (lục lạc) là loại nhạc cụ không thể thiếu trong làn điệu then
Muốn sử dụng được đàn tính phải am hiểu đàn như hiểu tính đứa con của mình vậy. Bà Sinh nói: “Đàn tính thuộc họ dây, chi gảy, gồm các bộ phận: bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, tròn và dày đều. Cần đàn thường là gỗ thừng mực hoặc gỗ dâu. Mặt đàn bào mỏng 3mm thường được làm bằng gỗ quế. Dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong hay nhựa khoai lang, ngày nay được thay thế bằng dây cước. Tiếng đàn vang thanh thoát, giàu tình cảm với âm vực rộng”.
Có lẽ nguyên liệu làm cây đàn cầu kỳ nên tạo âm thanh, làn điệu phong phú. Khi du dương như tiếng gió trên ngàn, lúc réo rắt như tiếng suối reo, khi thì vui tươi, khi thầm thì, khắc khoải sâu lắng như chạm đến tâm can người nghe... Xin mượn lời bài hát “Lời đàn tính” để diễn tả sức mạnh cũng như giá trị của tiếng đàn tính:
“Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo
Ấm áp hơn muôn ngọn lửa hồng
Đậm đà hơn muôn ngàn lời ca
Là cây đàn tính quê hương...”
“Vì những lý do đó mà đàn tính gắn liền với điệu then, là vật dụng biểu hiện sắc thái của người hát then. Có thể nói, đàn tính như linh hồn của điệu hát then” - bà Sinh khẳng định. Để điệu then thêm huyền bí còn có bộ nhạc sóc (lục lạc) đi kèm. Ngồi thưởng thức điệu then, tôi thấy những người biểu diễn lắc lư cơ thể và đưa cây đàn tính lúc sang phải, lúc qua trái như đang cầm cương con ngựa. Tiếng đàn lúc nhanh, lúc chậm, khi cao vút như tiếng sáo trong gió; còn tiếng nhạc sóc như tiếng vó ngựa phi. Giải đáp những thắc mắc của tôi, bà Vương Thị Canh - thành viên CLB đàn tính, hát then xã Bình Minh nói: “Trong quá trình làm then, bà bụt phải đi chặng đường dài lên thiên đình. Lúc người hát đung đưa cây đàn là lúc bà đang ngồi trên lưng và điều khiển con ngựa phi nước đại. Khi tiếng đàn nhẹ nhàng, nỉ non, tiếng nhạc sóc chậm lại là lúc người hát then đang ngồi trên lưng ngựa bước đi chậm rãi. Tiếng đàn và lục lạc làm người nghe như thấy được một thế giới tâm linh kỳ ảo đang diễn ra”.
NGƯỜI ĐƯA ĐIỆU HÁT “THẦN TIÊN” ĐẾN BÌNH PHƯỚC
Những năm 90 của thế kỷ trước, đồng bào Tày, Nùng vào lập nghiệp ở xã Bình Minh đã không quên mang theo “linh hồn” của dân tộc vào quê hương mới.
“Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn
Cung đàn xa xứ lên đường theo em
Vào Nam gây dựng hát then
Hát về Bình Phước quê em tuyệt vời
Khắp nơi vui nhộn tiếng cười.
Hội trường nhộn nhịp mọi người hát ca...
(Lời bài hát “Hướng về Bình Phước quê em” do bà Triệu Duyên Sinh sáng tác)
Khi mới lập nghiệp, cuộc sống khó khăn, “món ăn” tinh thần ấy chỉ được cất lên trên nương, rẫy, hòa quyện vào thiên nhiên núi rừng Bù Đăng. “Tiếng hát của tôi đi qua bao mùa rẫy, theo những mùa hoa điều, cà phê nở trên quê hương mới. Rồi tiếng hát của những đồng hương được tôi truyền lại cũng quyện theo dòng nhựa trắng cao su khi lên lô làm việc. Tiếng hát vút bay hòa vào đất trời, cứ như thế làn điệu then của chúng tôi đã gọi biết bao mùa xuân trên đất Bình Phước” - bà Sinh chia sẻ.
Câu lạc bộ hát then xã BìnhMinh trong một buổi biểu diễn
Là người am hiểu và yêu đàn tính, hát then, bà Sinh luôn mong muốn làn điệu then mãi vút cao trên đất Bình Phước để đời sau người Tày, Nùng ở Bình Phước vẫn được thưởng thức điệu hát “thần tiên” của dân tộc mình. Nghĩ là làm, bà sẵn sàng dạy hát, đàn cho bất cứ ai muốn học, ở đâu thành lập CLB đàn tính, hát then đều mời bà về dạy. Bà còn tranh thủ đi trước mấy ngày để tìm hiểu cuộc sống, lịch sử, văn hóa, lấy cảm hứng sáng tác những làn điệu hát then dành riêng cho nơi đến. Đối với bà, lời then không chỉ mang tính huyền bí, tâm linh hay là lời tỏ tình mà có cả hình ảnh lao động, sản xuất và những thế mạnh của mỗi vùng miền. Đắm chìm trong không gian văn hóa rộng lớn của vùng đất Bù Đăng, nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, càng làm cho bà có cảm hứng sáng tác. Đến nay, bà Sinh đã sáng tác hàng chục bài hát then về Bình Phước được phổ biến rộng rãi. Lời then trong những sáng tác của bà được chắt lọc, gọt giũa với lời thơ trữ tình, giàu nhạc điệu nhưng rất đỗi bình dị và mang hơi thở cuộc sống.
Nguyệt Cát
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065