BP - Mùa lễ hội, nhất là dịp sau tết Nguyên đán người dân trong nước thường đua nhau đi du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng. Vì vậy mà từ xa xưa đã có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Mùa lễ hội ở những nơi chùa chiền, danh lam thắng cảnh, nhất là tại các điểm nổi tiếng như di sản thế giới cũng là mùa “làm ăn” của dân trong vùng. Do đó, người đi du lịch, tham quan thường bị “chặt chém” với giá dịch vụ tăng vọt, cùng với đó là hàng loạt tiêu cực xung quanh các lễ hội mà báo chí đã phản ánh. Từ thực trạng đó, nhiều người đã chọn thời gian đi chơi, tham quan vào những tháng không có lễ hội, tạm gọi là “du lịch trái mùa” để cố tránh những phiền phức không đáng có và phù hợp với túi tiền.
Du khách để tiền lẻ vào tay tượng đá La Hán tại chùa Bái Đính
NHỮNG CÁI HAY...
Đất nước ta trải từ Nam đến Bắc, nơi nào cũng có những di tích, thắng cảnh, chùa chiền nổi tiếng. Đặc biệt là ở miền Bắc có rất nhiều di sản thế giới như vịnh Hạ Long, Tràng An, chùa Bái Đính hay Phong Nha - Kẻ Bàng... Đây là những địa điểm mà người Việt trong đời ai cũng muốn đến một lần cho biết. Trong tháng 10 vừa qua, tôi đã có dịp đi một vài nơi và đã gặp khá nhiều gia đình từ miền Nam ra miền Bắc đi tham quan Tràng An, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đông hơn cả vẫn là người đến Tràng An, chùa Bái Đính, kể cả khách nước ngoài, nơi được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của Việt Nam. Hầu hết người đi du lịch “trái mùa” đều chung suy nghĩ, là sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với mùa lễ hội. Trước hết là chuyện tàu xe khá dễ dàng, không bị cảnh gây khó, hoặc bị tăng giá khi mua vé, nếu thuê xe riêng cũng dễ và rẻ hơn nhiều so với mùa lễ hội. Việc tìm chỗ nghỉ, nhà trọ, khách sạn cũng không mấy khó khăn và giá cũng mềm. Đặc biệt là vấn đề ăn uống khá thoải mái vì có nhiều nhà hàng, quán ăn để lựa chọn mà không sợ bị “chặt” hoặc không bảo đảm vệ sinh. “Đi du lịch, tham quan “trái mùa” đến những nơi di sản thế giới hoặc các ngôi chùa nổi tiếng cũng không khác gì đi vào mùa lễ hội. Có chăng là lúc này ít người hơn, còn việc thưởng ngoạn phong cảnh rồi tính chất, ý nghĩa của việc cúng bái, xin lộc, cầu tài... cũng như nhau cả, miễn là mình thành tâm” - Một người quê ở Đồng Tháp, ngồi chung trên chiếc đò đi tham quan hang động ở Tràng An nói với tôi như vậy.
Thực tế qua mấy ngày du ngoạn, chúng tôi đã gặp khá nhiều điều thuận lợi. Nhà nghỉ tại Tràng An giá chỉ có 250 ngàn đồng/phòng. Nếu là mùa lễ hội, theo chủ nhà nghỉ thì có thể tăng lên 800-900 ngàn đồng. Bến đò tuy ít khách nhưng vẫn khá náo nhiệt bởi có không ít khách nước ngoài đến đây. Khu vực chùa Bái Đính cũng vậy, giá các dịch vụ khá “mềm”, xe điện lên chùa cũng ít người hơn nên nếu cần cũng sẽ có một cô hướng dẫn viên nhiệt tình đi giới thiệu.
VÀ NHỮNG CÁI CHƯA ĐẸP
Mùa lễ hội tại các địa điểm nổi tiếng ở nước ta nhiều năm qua, những chuyện tiêu cực, “chướng tai, gai mắt”, kể cả những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục vẫn cứ xảy ra liên tục chưa có cách gì để chấm dứt. Thế nhưng, trong chuyến đi tham quan vừa qua, mặc dù là “trái mùa” nhưng chúng tôi vẫn gặp không ít cảnh không đẹp và chưa vui. Tại chùa Bái Đính - nơi được coi là rất tôn nghiêm, là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, lại là trung tâm phật đường với nhiều cảnh quan đẹp. Những căn nhà uy nghi với tượng các vị phật, các vị vua luôn tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt như Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thế nhưng, không hiểu sao trong khi loa phóng thanh nhà chùa cứ đều đều đọc đi, đọc lại nội quy, quy định thì người tham quan vẫn không chấp hành. Có người vẫn tự tiện đốt nhang trong phật đường, thậm chí còn dắt cả tiền lẻ vào tay các tượng La Hán bằng đá dọc theo lối đi. Còn tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư, cảnh xin ăn, những người già bán hàng rong khá đông cứ chèo kéo khách rất khó chịu. Việc bán vé vào tham quan khu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng giá khá cao (40 ngàn đồng/người lớn, trẻ em 20 ngàn đồng); giá vé vào tham quan thành nhà Hồ tuy chỉ có 10 ngàn đồng/người nhưng người ta thu cả học sinh đến đây để tìm hiểu lịch sử.
Đi tham quan “trái mùa” thuận lợi nhiều nhưng vẫn còn những cảnh chưa vui, huống chi là mùa lễ hội, thời điểm mà cư dân trong vùng gọi là “cơ hội làm ăn” của họ. Khi đó khách thập phương đến rất đông, việc quản lý của ngành chức năng khó khăn, tạo cơ hội cho những kẻ làm ăn phi pháp hoạt động. Từ những thực tế đó, chúng tôi mong rằng, địa phương sở tại, nhất là những nơi nổi tiếng như tại các di sản thế giới, chính quyền cần giáo dục cho người dân, đồng thời phải có những quy định chặt chẽ, hợp lý để tạo niềm tin, niềm vui cho du khách đến tham quan, nhất là với khách nước ngoài để họ đưa hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới.
Tiến Bình
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065