Chính sách thuế phải khuyến khích người dân giữ rừng
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất với quan điểm tách bạch giữa việc điều chỉnh chính sách thuế với công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, buôn bán tài nguyên; không phải vì quản không được mà tăng thuế. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần theo hướng bảo vệ được tài nguyên, môi trường; đồng thời tạo điều kiện khuyến khích người dân giữ rừng thông qua việc khai thác có hiệu quả các sản phẩm phụ dưới tán rừng… “Chặt một cây gỗ quý nhóm I, nhóm II sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cả một khoảng rừng dưới tán”, ông Ksor Phước lưu ý. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng phải có chính sách khuyến khích, đảm bảo mức sống để người dân bảo vệ rừng, nếu không rừng ngày càng cạn kiệt. Bà Trương Thị Mai chia sẻ: “Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết”.
Qua thảo luận, UBTVQH quyết định giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành đối với các sản phẩm gỗ nhóm I, II, III... Các loại tài nguyên khác được điều chỉnh như tờ trình của Chính phủ. Cụ thể, ngoài một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bô xít, ni ken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), còn lại khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%. Sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014. Nghị quyết mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Lần đầu có Pháp lệnh về quản lý thị trường
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã được thành lập và hoạt động từ rất lâu, hiện nay có tới 6.000 cán bộ nhân viên, nhưng chưa được điều chỉnh bằng văn bản luật, pháp lệnh; trong khi công tác này có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định. Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự án pháp lệnh chưa làm rõ quy định về mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường. Do vậy, cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng này với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ mô hình tổ chức phân tán hiện nay sang mô hình tập trung, thống nhất. “Do thị trường có tính thống nhất nên bộ máy, nội dung hoạt động, nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường cần thống nhất để góp phần tăng hiệu quả, tính trách nhiệm của lực lượng này” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bình luận. Vẫn theo ông Giàu, mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường cần quy định ngay trong dự án pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ cần làm rõ sự khác biệt giữa mô hình tổ chức tập trung với mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường hiện nay và tác động của sự thay đổi mô hình này.
Vấn đề xây dựng lực lượng quản lý thị trường, trong đó có công chức quản lý thị trường cũng được cơ quan thẩm tra nhận định là “rất quan trọng nhưng quy định tại dự thảo pháp lệnh còn chung chung”. Nội dung về bổ nhiệm chức danh, ngạch; tiêu chuẩn đạo đức và trình độ nghiệp vụ; quyền và nghĩa vụ của công chức; điều kiện cấp thẻ kiểm tra thị trường, chế tài xử lý đối với công chức quản lý thị trường vi phạm các quy định của pháp luật như thông đồng, bao che đối tượng vi phạm… cũng cần được cụ thể hóa.
Kết luận vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Tới đây cần phải có luật, bao quát toàn bộ các vấn đề có liên quan đến thị trường. Dự thảo pháp lệnh lần này nên khoanh định rõ đối tượng điều chỉnh, hướng đến mục tiêu quản lý các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường, ngăn chặn hàng cấm, hàng gian, hàng lậu, hàng kém chất lượng... Hai nguyên tắc quan trọng đối với lực lượng quản lý thị trường cần được quy định vào pháp lệnh là cán bộ phải tinh thông nghề nghiệp và được đảm bảo về trang thiết bị làm việc. Có như vậy mới không còn chuyện phải nếm phân bón hóa học để xác định thật, giả như đã từng nêu tại diễn đàn Quốc hội nữa”.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065