Sau 4 năm bị kỷ luật hành chính buộc thôi việc, ngày 7-7-2011, ông Đặng Công Văn, ông Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân, nguyên cán bộ Ban quản lý (BQL) chợ Đồng Xoài bị Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Đồng Xoài đưa ra xét xử. Kết thúc phiên tòa, TAND thị xã tuyên phạt ông Đặng Công Văn và ông Bùi Văn Quỳnh mức án 177 tháng tù giam; bà Phạm Thị Hồng Vân bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Vì sao những ông bà này vừa bị xử lý hành chính lại còn bị xử lý hình sự?
>> 41 năm tù cho những kẻ có hành vi “thú tính”
MỘT SAI PHẠM BỊ XỬ LÝ THEO HAI BỘ LUẬT KHÁC NHAU
Tháng 6-2006, UBND thị xã Đồng Xoài ban hành ba Quyết định 4113, 4114 và 4115 về việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đặng Công Văn, ông Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân, nguyên là lãnh đạo, cán bộ BQL chợ Đồng Xoài. Ngoài hình thức kỷ luật buộc thôi việc, ba cán bộ trên còn phải khắc phục hậu quả là nộp trả số tiền chi vượt định mức không quyết toán được hơn 51,7 triệu đồng.
Quang cảnh phiên tòa ngày 7-7-2011
Vụ việc tưởng như đã khép lại, ngày 5-7-2011, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND thị xã Đồng Xoài lại đem vụ việc nói trên ra xét xử hình sự mà trước đó không hề có một quyết định nào hủy bỏ các quyết định kỷ luật hành chính với ba cán bộ nói trên. Với mức án mà TAND thị xã Đồng Xoài tuyên, ông Đặng Công Văn phải lãnh 90 tháng tù giam, ông Bùi Văn Quỳnh 87 tháng tù giam và bà Phạm Thị Hồng Vân 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên về công tác tố tụng trong xử án của TAND thị xã Đồng Xoài.
Bởi lẽ, theo Điều 39 Luật Cán bộ, công chức quy định nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ, cán bộ, công chức chỉ phải chịu một trong 6 hình thức kỷ luật, từ khiển trách đến buộc thôi việc. Mặt khác, Điều 5, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, ngày 17-3-2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức nêu rõ các nguyên tắc xem xét, xử lý cán bộ: Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật.
Trở lại vấn đề trên, những thiếu sót trong công tác quản lý tài chính ở BQL chợ Đồng Xoài đã được đoàn thanh tra thị xã Đồng Xoài báo cáo tại kết luận thanh tra số 08, ngày 28-3-2006 và đã được UBND thị xã Đồng Xoài xử lý. Điều 42, Luật Thanh tra nêu rõ: “Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu của phạm tội...”. Nếu như vụ bê bối tài chính ở BQL chợ Đồng Xoài có dấu hiệu phạm tội, tại sao thanh tra lại không chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) ngay mà “ngâm” gần 4 năm và đã xử lý hành chính, đồng thời đương sự cũng đã khắc phục hậu quả rồi mới đem ra xét xử (?).
Rõ ràng, một hành vi vi phạm bị xử lý hai lần theo hai bộ luật khác nhau. Trong khi các cá nhân sai phạm đã nghiêm túc khắc phục hậu quả và không gây nguy hiểm gì cho xã hội.
BẤT THƯỜNG TRONG XÉT XỬ?
Trong hai ngày xét xử, đại diện VKSND thị xã Đồng Xoài đã dựa vào cáo trạng số 42/KSĐT-KT, ngày 26-5-2010 để chứng minh ông Đặng Công Văn, ông Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân có hành vi: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, các bị cáo thu tiền thuê các lô, sạp nhà lồng tiền chế của chợ Đồng Xoài không tuân thủ Quyết định số 35/2003/QĐ-UBND của UBND thị xã Đồng Xoài, dẫn đến làm thất thoát số tiền 146,2 triệu đồng. Đồng thời, trong công tác quản lý tài chính, các bị cáo dùng tiền phí và ngân sách để trả lãi cho các cá nhân làm thất thoát hơn 51,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, đối chất với đại diện VKSND thị xã Đồng Xoài giữ quyền công tố, các bị cáo luôn kêu oan và cương quyết không nhận tội. Bị cáo Quỳnh và Văn cho rằng, những chứng cứ mà Viện KSND thị xã Đồng Xoài đưa ra không thuyết phục, mang tính áp đặt suy diễn một chiều, nhưng lại bị Viện KSND phớt lờ.
Tại tòa, luật sư Vũ Văn Thìn và luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh bào chữa cho ba bị cáo đã liên tục phản bác những cáo buộc không thuyết phục của VKSND thị xã Đồng Xoài. Các luật sư khẳng định: Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng ở Đồng Xoài đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng.
Theo luật sư Thìn, vụ án vi phạm cả hình thức lẫn nội dung. Bởi lẽ, một hành vi vi phạm chỉ được xử lý một lần. Nếu trong quá trình thanh tra, phát hiện thấy dấu hiệu phạm tội thì thanh tra phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan CSĐT. Chưa hết, khi bị cáo Bùi Văn Quỳnh đang khiếu nại oan sai trong Quyết định 4114 của UBND thị xã Đồng Xoài, lẽ ra UBND thị xã Đồng Xoài phải trả lời cho công dân bằng một quyết định, nhưng cơ quan CSĐT lại bắt tạm giam người đang khiếu nại là vi phạm tố tụng.
Việc cáo buộc các bị cáo không tuân thủ Quyết định số 35/QĐ-UB, ngày 16-6-2003 của UBND thị xã Đồng Xoài trong việc thu tiền nhà lồng tiền chế thấp hơn quy định, làm thất thoát số tiền 146 triệu đồng của VKSND thị xã Đồng Xoài bị luật sư Thìn và luật sư Chiến phủ nhận và chứng minh ngược lại khá thuyết phục. Theo các luật sư, kết luận như vậy là thiếu khách quan, gây bất lợi cho các thân chủ của ông. Các luật sư viện dẫn, trong một thời gian ngắn UBND thị xã Đồng Xoài ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo như: Các Thông báo số 41, ngày 4-4-2005; số 71, ngày 10-6-2003; số 170, ngày 28-11-2003; số 183, ngày 16-12-2003. Công văn phúc đáp số 741, ngày 10-12-2003 và các Quyết định số 01 ngày 2-1-2004, số 931 ngày 14-4-2004 của Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán việc xây dựng nhà tiền chế chợ Đồng Xoài. Đặc biệt là Công văn số 38, ngày 14-1-2004 của UBND thị xã Đồng Xoài đã chỉ đạo rất cụ thể: “Đồng ý cho BQL chợ Đồng Xoài tạm thu tiền hợp đồng thuê sạp khu vực nhà lồng tiền chế với mức thu 4,5 triệu đồng/ lô, sạp. Thống nhất chủ trương cho thu bằng biên lai của Chi cục thuế...”, vậy tại sao VKSND lại khẳng định các đối tượng trên phạm tội “cố ý làm trái...”? Đây là việc chấp hành các chỉ đạo của cơ quan quản lý chứ không phải cố ý làm trái. Mặt khác, nhà lồng tiền chế chợ Đồng Xoài là công trình huy động sức dân, chứ không phải từ nguồn ngân sách. Cho nên các tiểu thương có quyền đề nghị cơ quan quản lý thay đổi đơn giá các lô, sạp có giá trị sinh lợi trong kinh doanh là thể hiện tính dân chủ trong bàn bạc. Do vậy, có 46 lô, sạp BQL chợ thu tiền thấp hơn Quyết định số 35 của UBND thị xã Đồng Xoài là 146,1 triệu đồng; nhưng còn 50 lô sạp mà BQL chợ lại thu cao hơn Quyết định 35 là 142,6 triệu đồng. Tình tiết này tại sao VKSND thị xã Đồng Xoài không đưa vào vụ án? Nếu lấy 146,1 triệu đồng trừ đi 142,6 triệu đồng thì số tiền thất thoát chỉ có 3,5 triệu đồng. Điều này phù hợp với công văn chỉ đạo số 38, ngày 14-1-2004 của UBND thị xã Đồng Xoài.
Ở nội dung thứ hai mà VKSND thị xã Đồng Xoài kết tội các bị cáo Văn, Quỳnh và Vân đã “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ...” thì luật sư Vũ Văn Thìn đã làm sáng tỏ ngay tại tòa, khiến VKSND không trả lời được. Luật sư yêu cầu kế toán trưởng BQL chợ Đồng Xoài là ông Bùi Văn Ơn trả lời: Ngoài số tiền 68,9 triệu đồng mà đơn vị đã làm rõ, là người quản lý ngân sách ông Ơn thấy có mất số tiền nào khác không? Ông Ơn trả lời không mất. Khi đối chất với VKSND thị xã Đồng Xoài, luật sư yêu cầu đại diện VKSND lấy căn cứ nào để buộc tội các thân chủ ông lợi dụng chức vụ lấy 51,7 triệu đồng nhưng VKSND không trả lời được.
Luật sư Thìn khẳng định tại trang 1, mục 2 bản kết luận giám định tài chính ngày 18-7-2008 của Sở Tài chính đã từ chối giám định yêu cầu này của cơ quan CSĐT Công an thị xã Đồng Xoài. Như vậy, dựa vào đâu mà Viện KSND buộc tội các bị cáo Văn, Quỳnh và Vân làm thất thoát? Nếu nhìn từ quan hệ chủ sở hữu, chủ thể quản lý tài chính, kế toán trưởng BQL chợ Đồng Xoài Bùi Văn Ơn khẳng định không mất tiền thì số tiền mà Viện KSND cáo buộc bị mất chủ thể là ai mất, khiến VKSND lúng túng không trả lời được! Ông Thìn nhấn mạnh, ông sẽ “đi đến cùng” để bảo vệ công bằng và lẽ phải.
Tại tòa, luật sư Thìn đã khẳng định Hội đồng xét xử TAND thị xã Đồng Xoài vi phạm nghiêm trọng tố tụng và phải cần được xử lý, khiến người dân tham dự phiên tòa ái ngại về công tác xét xử của TAND thị xã Đồng Xoài.
Đ. Dương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065