CÁI NÔI CỦA CÁCH MẠNG
Bom Bo là địa danh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chính con người và mảnh đất nơi đây là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng.
Người dân thôn 8, xã Bom Bo đóng góp 1,2 tỷ đồng cùng Nhà nước làm 2,5km đường giao thông nông thôn
Lãnh đạo UBND xã dẫn chúng tôi đến gặp già làng Điểu Lên ở thôn 1, xã Bình Minh để nghe kể về những tháng năm rực lửa trên đất Bom Bo năm xưa. Già làng Điểu Lên (SN 1945), người đã 3 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nhân chứng sống của lịch sử vùng đất Bom Bo, cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào S’tiêng từ già tới trẻ, gái, trai với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đã cùng nhau bỏ sóc vào rừng theo cách mạng. Mùa khô năm 1965, hưởng ứng cuộc vận động của Bộ chỉ huy Miền và Khu ủy khu 10, tôi cùng bà con thi đua sản xuất để cung cấp lương thực phục vụ bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long”... Già làng Điểu Lên cho biết thêm, để đủ gạo phục vụ chiến dịch, dân làng huy động cối, chày, thức đêm cùng chiến sĩ giải phóng giã gạo. Chỉ trong 3 ngày, đêm, đồng bào Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch hơn 5 tấn gạo. Và hình ảnh, âm thanh rộn rã của tiếng chày giã gạo trong đêm khuya bên ánh đuốc lồ ô bập bùng của đồng bào S’tiêng ở Bom Bo đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc đi cùng năm tháng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, ngày 28-4-2000, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bom Bo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
DIỆN MẠO MỚI
43 năm sau ngày giải phóng, Bom Bo đã có nhiều đổi thay. Ông Hứa Phan Duy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Ngày 1-4-1998, xã Bom Bo chính thức thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở tách ra từ xã Đắk Nhau và một phần diện tích xã Minh Hưng. Đến năm 2008, xã Bom Bo tách một phần diện tích để thành lập xã Bình Minh. Đến năm 2009, một lần nữa xã Bom Bo chia tách một phần dân số và diện tích để thành lập xã Đường 10. Ngày mới thành lập xã, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông nông thôn luôn là vấn đề trở ngại trong phát triển kinh tế cũng như giao lưu văn hóa của người dân trong vùng”.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay diện tích tự nhiên của xã hơn 11.000 ha, với 2.866 hộ, 11.886 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 1.154 hộ, với 4.568 người (40,05% số dân). Toàn xã hiện có 8.694,9 ha cây lâu năm, trong đó cây điều 6.680,2 ha, hồ tiêu 151 ha, cà phê 899,2 ha, cây cao su 863 ha, cây ăn trái các loại 50,9 ha, cây lâu năm khác 50,4 ha. Diện tích cây ngắn ngày 385,8 ha. Thu nhập bình quân năm 1998 chỉ 1,8 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 30 triệu/người/năm. Ngày thành lập, xã chỉ có 1 trường tiểu học với 5 phòng tạm bợ và 300 học sinh. Đến nay, xã có 4 trường, gồm 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và THCS, 1 trường THCS và THPT với 70 phòng học, 3.636 học sinh; 252 cán bộ, giáo viên. Công tác xóa mù chữ của xã đạt chuẩn mức độ II; xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; PCGD tiểu học đạt chuẩn mức độ III; PCGD THCS đạt chuẩn mức độ I. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Từ một trạm y tế với 2 nhân viên ban đầu, đến nay trạm đã lồng ghép với bệnh xá của Trung đoàn 719 (Binh đoàn 16) thành Trạm Y tế quân dân y kết hợp với tổng biên chế 18 người, trong đó có 5 bác sĩ, 3 y sĩ, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 12,8/%o. Các tuyến giao thông được đầu tư, nâng cấp, trong đó đường liên xã nhựa hóa 100%, đường liên thôn nhựa hóa 75%. Toàn xã hiện có 760 hộ kinh doanh, 1 hợp tác xã, 16 doanh nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã làm được trên 11km, với số tiền do nhân dân đóng góp khoảng trên 70 tỷ đồng để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, đầu tư cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm. Vận động nhân dân đóng góp lắp đặt đường điện thắp sáng công cộng dọc các tuyến đường dài khoảng 15km, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng.
Ông Hứa Phan Duy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Từ một xã điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân còn khó khăn, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%, đến nay toàn xã chỉ còn 125 hộ nghèo, chiếm 4,37%. Dự kiến, Bom Bo sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2019. Hiện xã đã đạt 15/19 tiêu chí”.
Xuân Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065