Hớn Quản địa bàn rộng đến 66.379,8 ha và có địa hình phức tạp, 27.442 hộ dân phân bố không tập trung. Hệ thống đường giao thông không thuận lợi, nhiều tuyến đường hư hỏng, lưới điện đi vùng nông thôn có nhiều cây xanh như cao su, điều, tiêu, cây ăn trái, vườn, đất của người dân chiếm trên 80%, gây khó khăn trong quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp, đầu tư phát triển lưới điện. Đó là những khó khăn điện lực Hớn Quản phải vượt qua để đưa điện về phục vụ người dân trên địa bàn sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Vượt qua khó khăn
Năm 2019, Điện lực Hớn Quản phát triển được 5,95km đường dây trung áp, 10,4km đường dây hạ áp, 41 trạm biến áp, dung lượng 8.302,5kVA. Đơn vị đã thực hiện 1 công trình sửa chữa lớn với tổng vốn đầu tư 1,39 tỷ đồng, gồm 28,9km đường trung áp và gắn 720 bảng số trụ; sửa chữa các trạm biến áp, thay vật tư thiết bị hư hỏng với tổng trị giá 269 triệu đồng; phát triển 966 khách hàng mua điện, số hộ sử dụng điện tăng từ 27.082 lên 27.442 hộ dân, đạt 98,68%. Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đến hết tháng 11-2019, điện thương phẩm ước thực hiện 125,6 triệu kWh, tăng 4,6 triệu kWh so với kế hoạch công ty giao. Thu tiền điện trong năm ước 230,261 tỷ đồng, tăng 18,535 tỷ đồng so kế hoạch công ty giao.
Từ khi có điện, anh Điểu Hải ở ấp 2, xã An khương (Hớn Quản) thuận lợi hơn trong tưới nước cho vườn cây ăn trái của gia đình
Anh Đinh Văn Hiến ở tổ 6, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cùng 11 hộ kéo chung 1 đường dây, dùng chung 1 đồng hồ và duy trì 19 năm, từ năm 2000 đến tháng 7-2019. Giá điện phải trả rất cao, từ 2.500-3.000 đồng/kW. Việc chia tiền điện hằng tháng cũng cao do hao hụt vì đường dây quá xa. Gia đình tôi phải trả khoảng 600-700 ngàn đồng/tháng mới đủ phục vụ điện sinh hoạt và tưới tiêu trong sản xuất. Từ tháng 7-2019 đến nay, 12 hộ ở ấp Thanh Sơn trong danh sách được xóa câu đuôi, câu phụ, không còn dùng chung đồng hồ, giá điện rẻ hơn. Hiện mỗi tháng gia đình tôi chỉ trả khoảng 200 ngàn đồng tiền điện để sinh hoạt và phục vụ sản xuất”.
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ấp Thanh Sơn, cho biết: Từ khi được xóa câu đuôi, câu phụ, 99% trong 270 hộ của ấp đã có điện lưới quốc gia. Hiện còn một số hộ chỉ đến ở để làm rẫy, lại xa khu dân cư nên chưa được kéo điện. Từ khi được đầu tư phát triển lưới điện, đời sống người dân trong ấp thay đổi rất nhiều, kinh tế phát triển, diện mạo khu dân cư khang trang hơn.
Hạnh phúc vì CÓ điện
Có điện, người dân được tiếp cận các thiết bị gia dụng hiện đại, ánh sáng leo lắt của đèn dầu được thay bằng những bóng đèn led sáng trưng; bỏ đi đôi gánh nước hằng ngày, thay vào đó là dòng nước sạch được bơm lên từ những giếng khoan... Cuộc sống người dân ở vùng sâu, vùng xa của huyện Hớn Quản không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước.
Chương trình xóa câu phụ, câu đuôi triển khai tại Hớn Quản từ năm 2015 đến nay đã xóa được 182 hộ với kinh phí 750 triệu đồng. Năm 2020, đơn vị đặt mục tiêu sẽ xóa thêm 70 hộ với chi phí khoảng 400 triệu đồng. Quyết tâm thực hiện tốt chương trình này, đơn vị sẽ ưu tiên khu vực khó khăn làm trước để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê, phát triển kinh tế. Giám đốc Điện lực Hớn Quản Nguyễn Thanh Tâm |
Tổ 4, ấp 2 chỉ cách trung tâm xã An Khương khoảng 10km nhưng chị Thị Xa Rương trước đây phải thuê nhà ở khu vực chợ An Khương để có điện cho 2 con học bài, sinh hoạt gia đình hằng ngày thuận tiện hơn. Còn bây giờ, chị Rương phấn khởi nói về sự thay đổi cũng như niềm hạnh phúc của gia đình và người dân trong ấp: “Chúng tôi mãi không quên cảm giác ngày ánh điện thực sự về với người dân. Có điện ai cũng vui mừng, con cái học hành thuận lợi. Bắt đầu ngày mới không còn lo phải thức dậy sớm đi gánh nước suối nữa. Nhà ai cũng khoan giếng để dùng nước sạch. Nấu cơm bằng nồi cơm điện nhanh hơn bếp củi”. Chị Điểu Thị Đen ở cùng ấp cũng không giấu được vui mừng và chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Có điện hạnh phúc rồi, năm nay ăn tết sẽ vui hơn”.
Chủ tịch UBND xã An Khương Trần Hải Hà cho biết: An Khương là xã nghèo nhất huyện Hớn Quản, địa bàn rộng, 62% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2011, xã xây dựng kế hoạch về đích nông thôn mới nhưng đến năm 2018 mới hoàn thành. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 38 triệu đồng, nhưng cuối năm 2018 đạt 42 triệu đồng. Tuy nhiên, xã vẫn còn nhiều khó khăn trong duy trì các chỉ tiêu nông thôn mới, đặc biệt tiêu chí điện nông thôn. Năm 2019, điện đã về 3 tổ của ấp 2, giúp 80 hộ dân được sử dụng điện, nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện trong ấp đạt 100%.
Với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, năm 2019, Điện lực Hớn Quản đã hoàn thành các tiêu chí của ngành điện và huyện Hớn Quản đặt ra. Chương trình đưa điện về nông thôn góp phần hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Trước đây, không có điện, chúng tôi phải gánh nước suối về sinh hoạt, cây cối cũng không có nước tưới, con cái học hành khó khăn. Các hộ chung tiền kéo điện để sinh hoạt nhưng điện yếu, giá cao, việc chia tiền hằng tháng cũng gây mất đoàn kết giữa các hộ dân. Cuộc sống của người dân khó phát triển được. Chị Thị Xa Rương ở ấp 2, xã An Khương (Hớn Quản) |
Năm 2019, Điện lực Hớn Quản hoàn thành 17/18 chỉ tiêu là nỗ lực rất lớn khi trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong đó, chỉ tiêu “sự cố kéo dài, sự cố thoáng qua” không đạt là do thời tiết diễn biến xấu, người dân để cây xanh phát triển xâm chiếm hành lang lưới điện, vi phạm hành lang an toàn bảo vệ công trình điện. Thời gian tới, Điện lực Hớn Quản sẽ chú trọng vận động người dân chung tay bảo vệ hành lang lưới điện.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065