Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953-1954, Kế hoạch Nava vừa mới được thực hiện đã bộc lộ những điểm yếu và bị đảo lộn nghiêm trọng khi quân ta thực hiện chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc”, kéo căng đội hình quân đội Pháp ra toàn chiến trường Đông Dương, trong đó Tây Bắc là một trong những hướng quan trọng. Phát hiện ý định của ta, chỉ huy quân Pháp quyết định tổ chức hành quân cấp tốc cả đường bộ và đường không chiếm đóng thung lũng Điện Biện Phủ. Theo Pháp và Mỹ, Điện Biên Phủ “ở vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với miền Đông Nam Á. Một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc”. Nó như “cái bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc; “cái chìa khóa” để bảo vệ Thượng Lào.
Như vậy, do bị động đối phó trước hoạt động quân sự của ta, cả Pháp và Mỹ đã thống nhất xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất Đông Dương, pháo đài “bất khả xâm phạm”, một “con nhím hoàn hảo” được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại. Lực lượng lúc cao nhất lên tới 16.200 quân cùng nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, được bố trí tại 49 cứ điểm với 3 phân khu.
Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận “quyết chiến chiến lược” lớn nhất giữa ta và Pháp.
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu. |
Có thể nói, mở chiến dịch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một quyết tâm chiến lược lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta nhằm đánh thắng những cố gắng cao nhất, hình thức phòng ngự mới nhất của địch, tạo ra cục diện mới trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Đồng thời, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, do đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.
Từ cuối tháng 11 đầu tháng 12-1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra hết sức khẩn trương. Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Đến cuối tháng 1-1954, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã tới vị trí tập kết theo kế hoạch đã định, tổ chức bố trí xong trận địa và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ mừng chiến thắng ngay tại mặt trận, trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đơn vị lập công và tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu |
Trước tình hình mới do sự tăng cường lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ, đồng thời quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh chắc thắng”, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định chuyển phương châm tác chiến chiến dịch lúc tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng đã tăng cường, hệ thống phòng ngự được tổ chức vững chắc là một chủ trương kịp thời, chính xác, phù hợp với thực tế toàn chiến trường và tình hình cụ thể của Mặt trận Điện Biên Phủ.
Qua 56 ngày đêm (từ 13-3 đến 7-5-1954) chiến đấu kiên cường và anh dũng trong điều kiện “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi 62 máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp. Đây là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần đưa Hội nghị Giơnevơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương đi đến thành công.
Tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1. Ảnh tư liệu |
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh, tính sáng tạo và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời, thể hiện nhãn quan chiến lược của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh; đặc biệt là tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng ấy xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc (1).
(1) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 90.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065