Đến Điện Biên, ai cũng muốn tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi D1, đồi A1, đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh, cứ điểm Bản Kéo... Nhà báo Tô Hợp, người đã có hàng chục năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng này khẳng định: Không chỉ các bạn mà bất cứ ai, khi đã đặt chân lên thành phố Điện Biên Phủ đều có cảm giác như đang đi trên vùng đất thần thánh.
Thành phố Điện Biên Phủ cách thủ đô Hà Nội gần 500km và là địa danh không chỉ đi vào lịch sử Việt Nam mà cả trong lịch sử chiến tranh thế giới hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã gây tiếng vang lớn, giúp cả thế giới biết đến địa danh nhỏ bé này của Việt Nam.
Du khách nước ngoài tham quan di tích đồi A1
Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong quần thể di tích ở Điện Biên là khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, cách trung tâm thành phố khoảng 40km. Hai bên đường vẫn còn đó những cánh rừng nguyên sinh với bạt ngàn hoa trẩu trắng, khu di tích nguyên là nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công dẫn đến thắng lợi của ta vào ngày 7-5-1954. Sở chỉ huy chiến dịch là một hệ thống phòng thủ dã chiến bao gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây, tre, luồng, lá móc, lá gồi có sẵn. Các công trình được phân bố theo thứ tự từ trạm gác tiền tiêu đến lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Cục trưởng thông tin Hoàng Đạo Thúy; lán và hầm làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái... Mặc dù đã được phục dựng nhiều lần, nhưng nơi đây vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và là nguồn tài nguyên phục vụ du lịch vô cùng quý giá của Điện Biên.
Nằm về phía Đông thành phố (thuộc phường Mường Thanh), đồi A1 là điểm cao quan trọng nhất của tập đoàn cứ điểm do thực dân Pháp xây dựng. Điểm cao này có tác dụng che sườn cho phân khu đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong che chắn và bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Để tiêu diệt cao điểm, bộ đội công binh đã đào hầm ngầm trong lòng đồi A1 đến dưới hầm cố thủ của đối phương và đặt vào đó lượng thuốc nổ gần một tấn. Đến thăm đồi A1, du khách được tận mắt chứng kiến hầm chỉ huy kiên cố, hệ thống hầm ngầm, hào chi viện cùng hệ thống giao thông hào chằng chịt của quân đội Pháp... Đó là cỗ xe tăng của giặc bị ta phá hủy tại chiến trường cùng chiếc hố hình phễu - dấu tích của khối bộc phá ngàn cân, giúp bộ đội ta xóa sổ trung tâm đề kháng đồi A1, làm suy giảm mạnh sức chiến đấu của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm.
Đứng trên nóc hầm “De Castries”, chúng tôi càng tự hào hơn về ý chí chiến đấu quật cường của những thế hệ đi trước. Bởi 59 năm trước, nơi chúng tôi đang đứng là cơ quan đầu não của một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, được xây dựng kiên cố bằng những vật liệu tốt nhất và được bảo vệ bằng các loại vũ khí và khí tài quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ. Tại căn hầm này, tướng Christian de Castries đã cùng ban tham mưu vạch ra những chiến lược và chiến thuật hòng tiêu diệt quân ta, nhưng chính họ lại bao phen “thất điên bát đảo” vì phải đối phó với các cuộc tấn công như vũ bão của quân đội ta. Để rồi, trong ngày 7-5-1954 lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm và tướng Christian de Castries bị bắt cùng ban tham mưu khi chưa kịp đeo lên mình quân hàm tướng.
Trong thời gian lưu lại Điện Biên, chúng tôi còn đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ, thăm tượng đài chiến thắng ở đồi D1 cùng các chứng tích lịch sử như cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh... và thành Bản Thủ - một di tích đã có trên đất Điện Biên gần 300 năm trước. Đây là một kỳ tích về kỹ thuật xây dựng thành của lãnh tụ nông dân kiệt xuất Hoàng Công Chất cùng nghĩa quân với mục đích cố thủ lâu dài để chống lại triều đình mục nát của họ Trịnh thời Lê mạt và giặc ngoại xâm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9km. Trong thành còn có đền thờ Hoàng Công Chất và 6 thủ lĩnh nghĩa quân đã cùng ông dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình, cứu giúp dân nghèo, giải phóng Mường Thanh (Mường Then) khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ. Di tích trên là bằng chứng hùng hồn, chứng tỏ Điện Điện không chỉ là mảnh đất thần thánh trong kháng chiến chống Pháp và xuyên suốt trong cả quá trình hình thành, xây dựng, phát triển đất nước, như lời một đồng nghiệp ở Báo Điện Biện: “Đến Điện Biên nhưng không biết thành Bản Thủ thì coi như chưa đến”.
Chúng tôi đứng trên đồi D1, ngay dưới chân tượng đài chiến thắng Điện Biên uy nghi, thả mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn của lòng chảo Điện Biên với nhà cửa, phố sá san sát. Hai bên đường tấp nập người qua lại hòa cùng sự thân thiện, mến khách và đa dạng sắc màu các dân tộc anh em đang chung sống trên mảnh đất này. Những chứng tích xưa nay đã trở thành di tích lịch sử, khoác lên mình một sức sống mới, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên. Để Điện Biên hôm nay không chỉ được biết đến là địa danh lịch sử mà còn là vùng kinh tế trù phú, hội tụ những bản sắc văn hóa phong phú bậc nhất miền Tây Bắc.
Lâm Phương
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy địa bàn này căn cứ này chiến lược cơ động.
Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953-1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải khoảng 200 chiếc và 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, bố trí ở 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam và Độc Lập; sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo; ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá hủy, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
17 giờ 30 phút ngày 30-4-1954, ta mở đợt tấn công thứ hai. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tấc đất.
Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận.
Đêm 1-5-1954, ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3-5-1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.
17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy của địch. Tướng Christian de Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”, như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói.
T.S (Theo Lịch sử Việt Nam)
|
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065