Thứ nhất về nội dung cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung được quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự như sau: Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Từ nội dung trên cho thấy, xét ở góc độ pháp luật tố tụng dân sự thì quy định trên không rõ ràng trong việc xác định tư cách, vai trò của chấp hành viên khi yêu cầu yêu cầu Tòa án. Vì chấp hành viên không phải là chủ sở hữu tài sản và quy định này cũng không rõ là chấp hành viên sẽ là nguyên đơn tại tòa hay ai khác.
Trong khi đó, ở Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 lại không có điều khoản nào quy định về quyền khởi kiện của chấp hành viên. Tại Điều 161 của Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về quyền khởi kiện vụ án như sau: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Và với quy định như trên, rõ ràng là chấp hành viên không có quyền nhân danh cá nhân mình để khởi kiện yêu cầu tòa án xác định quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai có ghi: Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 162 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Cơ quan, tổ chức đó có những nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định; lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu tòa án bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách. Thế nhưng cơ quan thi hành án dân sự không phải là cơ quan quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định; quyền lợi của các đương sự có liên quan đến tài sản chung giữa người phải thi hành án với người khác cũng không phải là lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Vì vậy, chấp hành viên không có quyền yêu cầu khởi kiện trong trường hợp này. Rõ ràng đây là vấn đề mà giữa Luật Thi hành án và Bộ luật Tố tụng dân sự không có sự thống nhất. Chính vì thế, quy định tại Khoản 1, Điều 74 chưa thực sự được áp dụng trên thực tế.
Điểm vênh thứ hai là là việc giải quyết tranh chấp trong việc bán đấu giá tài sản. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự có quy định như sau: Đương sự, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, tại Bộ luật Tố tụng dân sự lại không hề có quy định nào về thẩm quyền của chấp hành viên và thẩm quyền thụ lý giải quyết của tòa án đối với yêu cầu của chấp hành viên giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Đây là nguyên nhân chính làm cho việc yêu cầu tòa án xác định tài sản thuộc sở hữu chung, quy định về quyền khởi kiện của chấp hành viên về giải quyết tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản trong Luật Thi hành án dân sự chưa thể đi vào thực tiễn.
Để khắc phục những tồn tại trên, Luật Thi hành án dân sự cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật trong thời gian tới, đồng thời tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà nước, công dân.
L.G
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065