Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sắp tới sẽ được đổi mới như thế nào là vấn đề đang thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, tất cả những điểm mới đều hướng tới mục tiêu giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhưng vẫn bảo đảm đánh giá được đúng chất lượng, tiệm cận dần với xu hướng chung của thế giới…
Giảm môn thi, giảm thời gian thi
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu rất rõ yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”…
Một giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT A Duy Tiên (Duy Tiên, Hà Nam) |
Theo PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, để “giảm áp lực và tốn kém cho xã hội” trong thi và công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có giảm môn thi, giảm thời gian thi và tổ chức lại cách thi, cách chấm thi… Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới quyết định của Bộ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, số môn thi sẽ được giảm từ 6 môn như trước đây xuống còn 4 môn. Trong số 4 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 6 môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. “Thời gian thi cũng được giảm. Ví dụ, Ngữ văn trước đây phải thi trong 150 phút, thì nay giảm xuống 120 phút. Không cần các em phải viết nhiều quá làm gì. Văn hay, chỉ cần viết một đoạn là biết, không cần viết nhiều”, ông Đỗ Ngọc Thống nói.
Không chỉ giảm thời gian thi của các môn, mà chính việc giảm số môn thi cũng làm giảm tổng thời gian thi tốt nghiệp của học sinh từ 3 ngày xuống tối đa là 2 ngày.
Cách thức tổ chức các môn thi cũng được cải tiến theo hướng giảm tối đa trường hợp thí sinh phải thi 2 môn trong một buổi. Cụ thể, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS, TS Mai Văn Trinh cho hay, trong buổi sáng đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh sẽ thực hiện 2 môn thi là Ngữ văn và Hóa học. Buổi chiều hôm đó, thí sinh thi môn Vật lý và Lịch sử. Sáng ngày thi thứ hai, các thí sinh sẽ thi môn Toán học và Ngoại ngữ. Buổi chiều cuối cùng sẽ dành cho môn Sinh học và Địa lý.
Ông Trinh cho biết thêm, giữa thời gian 2 môn thi, thí sinh và cán bộ coi thi sẽ có 75 phút để thao tác kỹ thuật.
Như vậy, nếu thực hiện lịch thi này, thí sinh phải thi dài nhất cũng chỉ mất tối đa 4 buổi (2 ngày) cho việc thi cử. Chẳng hạn, một thí sinh dự định thi đại học khối A và lựa chọn những môn thuộc khối A để thi tốt nghiệp sẽ chỉ mất 1,5 ngày để thi, gồm buổi thi đầu tiên với 2 môn, Ngữ văn và Hóa học, buổi thi thứ hai sẽ thực hiện môn thi Vật lý và buổi thi cuối cùng sẽ thực hiện môn thi Toán học. Tương tự như vậy, thí sinh thi đại học khối B cũng chỉ mất 1,5 ngày để thi tốt nghiệp. Thí sinh khối D thậm chí có thể chỉ mất 1 ngày thi tốt nghiệp, nếu tự chọn môn thứ tư là Hóa học. Riêng thí sinh khối C sẽ thi rải đều trong cả 4 buổi thi tốt nghiệp.
Tiếp tục ra đề theo hướng mở, tổng hợp
Về hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trinh nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục áp dụng hướng ra đề mở đòi hỏi kiến thức tổng hợp của học sinh. “Đây là hướng chung mà thế giới đang áp dụng, Việt Nam cũng đã điều chỉnh theo hướng này từ 2, 3 năm trở lại đây. Trong các đề thi, chúng tôi đã đưa vào các câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp, kiến thức xã hội để giải quyết vấn đề. Hướng này sẽ được tiến hành từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ diện hẹp đến diện rộng. Năm nay, Bộ sẽ tăng cường thêm cả về diện rộng và chiều sâu để tiệm cận dần với thế giới”, ông Trinh cho hay và nhấn mạnh thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng tới thực hiện 4 bài thi, thay vì 4 môn thi như hiện nay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh sẽ bớt nhiều áp lực so với những năm trước |
Giải thích thêm về điều này, PGS, TS Đỗ Ngọc Thống nói, cách thi như chúng ta đang áp dụng là thực hiện 4 môn thi. Nhưng xu thế chung của quốc tế là ra đề thi theo hướng một bài thi tổng hợp. Một bài thi được đo bằng nhiều chỉ số khác nhau, không chỉ bao gồm kiến thức của môn học đó, mà phải bao gồm cả nhiều kỹ năng khác. Ông Thống nêu ví dụ, bài thi Toán không chỉ đơn thuần là môn Toán, mà kết hợp cả những kiến thức về Tin học, đo được khả năng tư duy, hay cả việc ứng dụng kiến thức Toán học. Nếu thực hiện được 4 bài thi thay cho 4 môn thi, thì 4 bài thi ấy sẽ bao quát được các lĩnh vực cơ bản mà học sinh phải đối mặt trong cuộc sống. Chính vì vậy mới cần đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, đổi mới cách dạy và học, giúp học sinh có thể vận dụng được cả năng lực viết và nhiều năng lực khác nhau để giải quyết vấn đề, tránh lối dạy học theo kiểu hàn lâm.
Về cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trinh cho biết, cơ bản sẽ giữ nguyên như các năm trước. Theo đó, các môn Toán học, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, đề thi sẽ được ra theo hướng tự luận. Các môn Hóa học, Sinh học và Vật lý sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngoại ngữ sẽ được ra đề theo hướng tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Như vậy, năm nay, môn Ngoại ngữ sẽ được tăng cường thêm phần tự luận, nhưng thời gian thi vẫn giữ nguyên là 60 phút như các năm trước.
Đổi mới công nhận tốt nghiệp, tránh học lệch
Một điểm mới rất lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tới đây là sẽ kết hợp kết quả học tập cả năm và kết quả thi tốt nghiệp để xếp loại và công nhận tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi 4 môn sẽ chiếm 50% và điểm trung bình kết quả học tập năm lớp 12 sẽ chiếm 50%, cộng vào chia trung bình để làm căn cứ xếp loại tốt nghiệp THPT. Kết quả học tập lớp 12 của học sinh sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu phần mềm của Hội đồng Thi tốt nghiệp THPT trước khi kỳ thi diễn ra. Ông Trinh khẳng định, hạnh kiểm cũng là một căn cứ để xếp loại tốt nghiệp “vì từ trước đến nay, khi xếp loại học lực khá, giỏi, trung bình hay yếu, kém đều vẫn tính đến hạnh kiểm”.
Bình luận về điều này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc dùng cả kết quả học tập lớp 12 kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp để xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ tránh được việc học lệch của học sinh. Học sinh muốn được xếp loại tốt nghiệp cao thì phải cố gắng học tốt các môn học khác trong suốt năm học.
Như vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng nhiều điểm mới theo hướng giảm áp lực cho học sinh và xã hội. Hy vọng rằng, những đổi mới này sẽ đạt được mục tiêu vừa giảm áp lực thi cử, vừa bảo đảm đánh giá đúng chất lượng học sinh. Tuy nhiên, vì là những điểm mới nên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẵn sàng lắng nghe những góp ý của các chuyên gia và toàn xã hội. Bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân có thể đóng góp ý kiến và gửi về Báo Quân đội nhân dân theo email: [email protected] hoặc địa chỉ: Số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065