Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đầu tiên của nước ta có tên là “Pháp lệnh ưu đãi người có công hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng”. Pháp lệnh này được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX thông qua ngày 29-8-1994. Sau đó, Pháp lệnh trên đã được đổi tên là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 1998, 2000, 2001, 2005.
* Sự cần thiết phải sửa đổi pháp lệnh:
Sau hơn 17 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã tạo sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng. Đồng thời, pháp lệnh đã tác động sâu sắc đến toàn xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo người có công và phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa" trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Quá trình thực hiện pháp lệnh, đời sống người có công được cải thiện một bước, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước.
Tuy nhiên, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất hợp lý cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Điều bất cập dễ nhận thấy nhất trong pháp lệnh là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi chưa đầy đủ. Cụ thể là ngoài 13 đối tượng quy định trong pháp lệnh còn đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ theo Pháp lệnh. Hoặc điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công chưa thật phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Bên cạnh đó, còn một số chế độ ưu đãi chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp chưa cụ thể, rõ ràng, nên gây khó khăn, trở ngại trong việc hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như địa phương.
Mặt khác, một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về ưu đãi người có công quy định chưa thật đầy đủ và rõ ràng. Cụ thể là về thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, UBND các cấp trong việc thực thi pháp lệnh. Một bất cập nữa là có nhiều nội dung liên quan đến việc xử lý những hành vi vi phạm Pháp lệnh chưa được quy định cụ thể. Chính vì thế cho nên thời gian qua có một số văn bản pháp luật mới ban đã sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Thi đua khen thưởng... Đặc biệt, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua đã tạo được sự phát triển khá mạnh, đời sống của nhân dân ta đã được cải thiện đáng kể. Do vậy, pháp lệnh cần được sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với những người có công với cách mạng cho phù hợp, nhằm nâng cao mức sống và chăm sóc tốt hơn cho người có công với cách mạng.
Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Điều 17) 1. Tặng hoặc truy tặng Bằng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". 2. Trợ cấp một lần. 3. Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh. 4. Phụ cấp hàng tháng. 5. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. 6. Nhà nước và nhân dân tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào hoàn cảnh của từng người.
* Những điểm mới trong Dự thảo pháp lệnh:
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và toàn dân… được xây dựng trên cơ sở kế thừa, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung ở 3 pháp lệnh hiện hành về người có công là: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, nội dung của dự thảo pháp lệnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với những người có công với cách mạng. Trước hết là về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945, dự thảo đã bổ sung quy định giao Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về điều kiện, căn cứ và quy trình xét công nhận người hoạt động cách mạng đối với các đối tượng này.
Thứ hai là về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 quy định: Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh... Ngoài các trường hợp trên, dự thảo có bổ sung thêm 2 trường hợp cũng được xác nhận là liệt sĩ gồm: Do ốm đau, tai nạn khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ; Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh.
Thứ ba là về chế độ ưu đãi với thân nhân liệt sĩ, trong dự thảo đã bổ sung chế độ phụ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ đang sống cô đơn không nơi nương tựa; con liệt sĩ mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ mồ côi bị khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp nuôi dưỡng vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Đồng thời, dự thảo còn bổ sung quy định bổ sung chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày. Cụ thể, Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày, dự thảo bổ sung quy định: Trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày nếu đang không hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước hoặc bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, khi người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì người tổ chức mai táng được hưởng một khoản trợ cấp.
Kim Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065