Trong những ngày trước tết, nhiều dịch vụ đã bắt đầu hút khách, nhất là các vườn cây kiểng được nhiều người tìm đến hỏi thuê. Tại các thành phố dịch vụ dọn nhà, tìm người giúp việc dịp tết... diễn ra khá nhộn nhịp. Đặc biệt là việc giữ chân ôsin trở nên căng thẳng, có gia đình chấp nhận trả công rất cao để kéo ôsin ở lại giúp việc mấy ngày tết. Trông xe, sửa chữa xe, đổi tiền lẻ, trang hoàng nhà cửa, làm đẹp..., các loại dịch vụ này cứ “đến hẹn lại lên” và giá cả tăng dần đến giáp tết. Cận tết, nhu cầu thuê người thu hoạch rau, hoa, tại các vùng cũng tăng đột biến. Nhiều nơi lên tới 1 triệu đồng/ngày đối với lao động nam, 800 ngàn đồng/ngày với lao động nữ mà vẫn không tìm được người làm.
Dịch vụ thuê người lao động tăng giá là có cơ sở nhưng nhiều dịch vụ khác cũng lợi dụng dịp tết để “ăn theo”. Tiêu biểu nhất là giá cả khi di chuyển trên các loại xe, kể cả xe ôm. Người viết bài vừa về thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây đoạn đường từ Bến xe Miền Đông tới bệnh viện giá chỉ 50 ngàn đồng, vậy mà mới ngày 24 tháng chạp người chạy xe ôm đã bảo “Tết mà bác, tăng 20 ngàn chứ có nhiêu đâu!”. Vé xe của hãng xe Thành Công về Đồng Xoài cũng tăng thêm 20 ngàn đồng/vé từ ngày 25 tháng chạp. Được biết, Bến xe Miền Đông đã bắt đầu điều chỉnh tăng 60% giá vé xe đò tết từ ngày 17-1-2017 (tức ngày 20 tháng chạp) trên các tuyến xe đò từ thành phố Hồ Chí Minh đi Huế và ra các tỉnh phía Bắc. Nhiều người than phiền: Đường sắt tăng giá vé 9,5% và thời điểm tăng từ ngày 20 đến 28 tháng chạp. Còn hàng không cũng chỉ tăng 10 ngày trước tết với mức tăng 20-30% so với ngày thường. Vậy mà các nhà xe ở bến xe Miền Đông bắt đầu tăng giá vé từ ngày 12 tháng chạp và mức tăng 20-60%.
Từ ngày 19-1, nhiều doanh nghiệp vận tải tại các bến xe Hà Nội thông báo giá vé dịp tết Đinh Dậu tăng từ 7-60%. Giá vé xe trước tết tăng kéo dài hết tháng giêng vẫn không chịu xuống. Nhiều người đi lễ chùa hoặc vào các điểm tham quan đông người không khỏi bất bình khi các điểm trông xe tự phát thu tiền giữ xe máy quá cao. Tết, hầu hết các cửa hàng ăn uống lớn đều nghỉ. Đây là cơ hội để các hàng ăn vỉa hè tranh thủ nhảy ra làm dịch vụ với giá “trên trời”, dù chất lượng đồ ăn thức uống chẳng ra gì. Đó là chưa nói tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp trước, trong và sau tết, giá các dịch vụ “ăn theo” tết lại tăng vô tội vạ. Trước tết Nguyên đán năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc tăng giá các dịch vụ trước, trong và sau tết. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh giám sát việc bình ổn giá. Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc kiểm tra cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065