Chiều tối 31-1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra - Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học; có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không?
Về vấn đề bảo đảm khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết hiện Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp) nên năng lực sản xuất của chúng ta là "không có vấn đề". Tuy nhiên, do phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu kháng khuẩn, cho nên bên cạnh giải pháp đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,…
Về sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ các cấp các ngành và người dân cần nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, người dân nên hình thành thói quen sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng không chỉ để phòng chống dịch mà còn để giữ gìn sức khỏe.
Ban Chỉ đạo họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh do virus corona gây ra - Ảnh: VGP
Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế chuyên dụng ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, ví dụ như những người tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp với người bệnh, người nghi mắc bệnh… còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Về tổ chức lễ hội, các ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện các biện pháp giảm quy mô hoạt động của các lễ hội; giảm các hoạt động, rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội xuống mức tối thiểu; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tiến hành khử trùng, vệ sinh, tiêu độc tại nơi diễn ra lễ hội,…
Về vấn đề học sinh nghỉ học, các ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh để kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học trong trường hợp dịch lan rộng; Sở Y tế có trách nhiệm đánh giá tình hình dịch để có khuyến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh.
Các ý kiến cũng đề nghị lực lượng chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ công dân các nước đến Việt Nam từ vùng có dịch và công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước theo phương châm 4 tại chỗ. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cho người dân nắm được các giải pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống, cần sử dụng cả mạng xã hội, tin nhắn,… để tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch do virus corona gây ra
Về việc ngày 31-1, WHO chính thức tuyên bố dịch virus corona chủng mới (nCoV) là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố. Trao đổi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh…
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. "Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp" - GS.TS Nguyễn Thanh Long nói. Ông nhận định: "Dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp. Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm".
Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết thêm: Hiện nay Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Song hiện tại nước bạn cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.
Yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trước diễn biến xấu, phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: 1. Các Bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23-1-2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30-1-2020; phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như "chống giặc", kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng. 2. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của bạn để nắm thông tin cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh. 3. Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt. Dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch. Cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. 4. Hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội. 5. Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 6. Các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại tất cả cửa khẩu biên giới, dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc; tăng cường việc giám sát công dân, lao động Trung Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam về quê ăn tết nay trở lại Việt Nam, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày; cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; thực hiện việc khử trùng các điểm nghi ngờ dịch bệnh theo quy định. 7. Tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh. 8. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện nghiêm việc các học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không đến trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn; thường xuyên theo dõi nắm tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và phối hợp cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách làm của các nước, đề xuất việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học; sẵn sàng thực hiện việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi dịch bùng phát. 9. Các bệnh viện được phân công sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện phải tiếp nhận, sàng lọc và xử lý tại chỗ, đặc biệt là thực hiện cách ly người bệnh không để lây nhiễm. Lực lượng quân đội phải đặt tình trạng cao nhất, các bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. 10. Bộ Y tế: - Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu các điều kiện và thủ tục pháp lý, đề xuất việc công bố tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch bệnh này gây ra tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020. - Hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho nhân dân. - Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020. Chỉ đạo các đơn vị chủ động việc sản xuất các trang thiết bị phòng chống dịch; cung ứng đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch, trước hết là cho các địa phương biên giới. - Chỉ đạo việc hỗ trợ nhân lực y bác sỹ cho các địa phương có dịch bệnh. - Xây dựng kịch bản về diễn biến của dịch và kế hoạch, biện pháp ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 2-2-2020. 11. Các cấp, các ngành, nhất là các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề cao trách nhiệm trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. 12. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ động thông báo với quốc tế về những chỉ đạo và biện pháp quyết liệt, minh bạch của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch cũng như các hoạt động của Năm ASEAN 2020; áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết và xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam ở các vùng có dịch bệnh của Trung Quốc về nước khi cần thiết; thông tin, cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ứng phó của Trung Quốc và các nước, kịp thời đề xuất các biện pháp thích hợp của Việt Nam. 13. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ người xuất, nhập cảnh qua biên giới; thông báo cho Bộ Y tế và các địa phương danh sách hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam. 14. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức họp, giao ban 2 ngày/lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến của dịch bệnh. 15. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh tại Văn phòng Chính phủ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Y tế do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, trong đó có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia. Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. 16. UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế trên tinh thần bốn tại chỗ; bảo đảm cung cấp đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn; sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực. 17. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả. 18. Đề nghị nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc che dấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh. |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065