Nuôi dê sạch
Những năm gần đây, khi diện tích hồ tiêu được mở rộng thì số lượng đàn dê cũng tăng theo vì nông dân tận dụng tối đa phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Khi một vườn tiêu được dựng lên, nông dân luôn làm kèm một chuồng nuôi dê. Tùy khả năng của mỗi gia đình mà số dê giống ban đầu nhiều hay ít. Trụ tiêu là những cây keo, cây anh đào, chỉ sau vài tháng trồng lá, cành đã xum xuê. Lúc này, nông dân phải tỉa bớt để cây tiêu quang hợp ánh sáng. Tận dụng lượng lớn lá từ những nọc sống này làm thức ăn cho dê thì không gì bằng.
Anh Đinh Văn Tỉnh, nguyên Bí thư Xã đoàn Thanh An (Hớn Quản) cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 2.000 con dê, nuôi nhỏ lẻ trong các gia đình. Thấy nguồn cung trong xã dồi dào, Xã đoàn đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dê và đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm đầu ra cho tổ viên. Thông tin về nguồn cung ứng thịt dê được đăng lên đã nhận về nhiều đơn đặt hàng từ thành phố Hồ Chí Minh. Hiện số lượng dê của tổ viên không cung ứng đủ cho khách hàng nên vài ngày mới có một chuyến hàng xuất đi.
Trại nấm bào ngư xám của anh Lương Nhân Tuấn mỗi ngày thu từ 10-40kg
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An Hồ Lê Minh khẳng định, hiện thịt dê rất hút hàng vì người tiêu dùng đang quan tâm đến thực phẩm sạch. Dê chỉ ăn lá cây nên thịt thơm ngon, an toàn. Tuy giá đắt hơn thịt heo song nhiều người vẫn lựa chọn. Hộ ông Nguyễn Tiến Quang ở ấp An Quý, xã Thanh An hiện còn 20 con dê trong chuồng, cách đây vài tháng ông bán 10 con. Ông Quang nuôi dê đã hơn 10 năm nên kinh nghiệm chăm sóc và thị trường tiêu thụ ông rất rành.
Đợt nắng nóng vừa qua, vườn keo lai của gia đình không đủ cung cấp thức ăn cho dê nên con trai ông hằng ngày phải ra bờ sông Bé chặt lá cây rừng, dây rừng về bổ sung. Nếu không tìm được lá cây, ông chặt cây chuối trộn với cám cho dê ăn. Cách này chỉ là “chống cháy” vì cho ăn như vậy dê rất dễ bị tiêu chảy. Rồi ông dẫn chứng một vài người ông biết thấy chuối trong vườn chín nhiều đem cho dê ăn, vài ngày sau dê lăn ra chết. Dê dễ chăm sóc, sức đề kháng cao, song không thể “bạ đâu ăn đó”. Điều đó lý giải vì sao, giá dê luôn từ 90-95 ngàn đồng/kg hơi mà thương lái vẫn vào tận hộ chăn nuôi mua mà không kỳ kèo.
Hộ ông Trần Hiệu ở ấp An Hòa mấy năm trước cũng nuôi dê, sau nhận thấy việc cung cấp thịt dê đã qua sơ chế có lãi nên chuyển sang thu mua rồi sơ chế. Dê sau khi làm lông, mổ bỏ nội tạng, xuất đi nguyên con giá 195 ngàn đồng/kg. Khách hàng của ông là các nhà hàng ở tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Đồng Xoài. Ông Hiệu cho biết, nguồn dê ông chủ yếu mua từ các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, vì tại xã Thanh An không phải lúc nào cũng có hàng.
Trồng nấm bào ngư xám
Nhận thấy thị trường tiêu thụ nấm tại xã Tân Khai (Hớn Quản) nói riêng và trong tỉnh nói chung khả quan nên anh Lương Nhân Tuấn (1982) đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng trồng nấm bào ngư xám. Hiện trại nấm của anh có 4.000 bịch đang cho thu và 8.000 bịch phôi nấm. Khi bán phôi nấm anh luôn kèm theo dịch vụ bao tiêu sản phẩm nếu người mua chưa tìm được đầu ra.
Hộ ông Nguyễn Tiến Quang nuôi dê cho hiệu quả cao
Anh thích trồng nấm và muốn lập nghiệp từ nghề này vì anh luôn chuộng nguồn thực phẩm sạch. Anh cho rằng, nấm là nguồn thực phẩm sạch nên người tiêu dùng an tâm khi bổ sung vào bữa ăn gia đình. Trong suốt quá trình làm nấm, từ nguyên liệu đến chăm sóc đều sạch, không có bất kỳ loại hóa chất nào “lọt” vào được. Nguyên liệu để trồng nấm chủ yếu là mạt cưa cao su, cám gạo, một lượng nhỏ phân khoáng. Trong mạt cưa cao su đã gần như đầy đủ chất dinh dưỡng nuôi nấm phát triển. Khi phôi nấm ủ qua 3-4 tuần thì đến thời điểm ra nấm. Lúc này, vừa thu hoạch hằng ngày vừa tưới nước sạch 3 lần/ngày để giữ độ ẩm cho nấm sinh trưởng.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của anh tại các chợ huyện ở Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp. Do số lượng nấm thu được hằng ngày chưa nhiều nên anh chưa tìm thêm thị trường. Song anh cho biết khi liên kết sản xuất được với những người đã mua phôi nấm của anh thì sẽ mở rộng mạng lưới bán hàng. Nấm bào ngư xám hiện rất ít tại các chợ vì giá cao hơn nấm bào ngư trắng. Anh giao cho bạn hàng khoảng 30 ngàn đồng/kg. Mong muốn của chàng trai 34 tuổi này là được gắn nhãn cho sản phẩm của mình khi xuất ra thị trường. Để làm được điều này chặng đường anh phải đi còn dài, song với tâm huyết và độ chín của tuổi đời, hy vọng anh sớm hoàn thành ước mơ.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065