Câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc trải qua hàng ngàn năm được các thế hệ người Việt nhắc đến và học tập. Hình tượng người anh hùng tên Gióng đã trở thành biểu tượng về của sức mạnh và lòng yêu nước của dân tộc ta. Ngày nay, trên quê hương Thánh Gióng vẫn còn đó những di tích lịch sử và lễ hội hằng năm vẫn được nhân dân tổ chức để tưởng nhớ công ơn người anh hùng đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng đã được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 4, ngày 9-12-2013). Hội Gióng là một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc Việt Nam và là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, là nơi thờ Thánh Gióng - Ảnh: TL
NÉT ĐẶC SẮC CỦA KHU DI TÍCH
Cụm di tích lịch sử Phù Đổng Thiên Vương nằm trên bờ bắc sông Đuống, trước kia thuộc phủ Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đền Gióng được lập từ thời Hùng Vương. Sau này, khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long đã cho tu sửa lại. Đền hiện nay còn giữ được nhiều bộ phận kiến trúc của thời Lê Trung Hưng; gồm có tam quan, bái đường, hậu cung, nhà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền, dựng vào thế kỷ XIX. Tượng Thánh Gióng cao 3m được đặt ở giữa hậu cung. Ngoài ra đền còn có đôi rồng đá, đôi sư tử đá làm từ thời Lê Dụ Tông (1705), cỗ ngai thờ từ thời Lê, bia năm 1660; đôi chim sứ cổ được cho là của bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ cung tiến cuối thế kỷ XVIII. Đặc biệt trong đền có nhiều hoành phi câu đối, trong đó có câu đối của Nguyễn Du: “Người thánh vốn trời sinh, dẹp tan giặc Bắc/ Dấu thần lưu đất cũ, giữ vững nước Nam”.
Đền Mẫu là nơi thờ mẹ Thánh Gióng. Trước kia, Thánh Mẫu được thờ chung với Thánh Gióng ở đền Thượng. Đến năm 1683, đền Mẫu được xây dựng để thờ riêng mẹ Thánh Gióng. Đền Mẫu hiện còn lưu giữ được một số hiện vật như: Đôi phỗng đá, một bộ đài bạc, hai bình hương bằng đá. Miếu Ban nằm ở phía Tây đền Thượng, đây được coi là nơi Thánh Gióng ra đời. Miếu lợp ngói cổ hình mũi hài, phía sau có giếng Bát Nhũ trì, ở giữa nổi lên một gò đất con. Cố Viên (vườn xưa) là nơi mẹ Thánh Gióng hái rau, ướm chân mình vào chân người khổng lồ, để rồi từ đó mang thai sinh ra Thánh Gióng. Trong Cố Viên có một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh là hòn đá lớn có hình thù giống dấu chân của người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Viên Thánh Mẫu cố trạch” (Nhà xưa của Thánh Mẫu trong vườn Đổng).
Ngược lên khu di tích lịch sử là đền Tượng thờ Thánh Gióng (xã Phù Linh - Sóc Sơn), nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. Khu di tích này gồm đền chùa, miếu thờ tọa lạc trong khuôn viên rộng, xung quanh là núi non rợp mát bóng cây. Quần thể di tích với 6 nơi thờ đều mang đậm những điển tích. Mới đây trên núi Vệ Linh đã xây dựng chùa Non là nơi thờ Phật với tượng Phật tổ được đúc bằng đồng cao 3,5m, nặng 36 tấn. Thần tích Phù Đổng Thiên Vương với hai khu thờ: Ở làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) và đền thờ ở Phù Linh - Sóc Sơn sẽ mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là di sản văn hóa quốc gia và của nhân loại.
VÀI NÉT VỀ HỘI GIÓNG
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh - Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng - Gia Lâm. Ngày 16-11-2010, Hội Gióng đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giá trị nổi bật toàn cầu ở Hội Gióng chính là hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, nhưng Hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững. Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang chống giặc Ân. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung Lương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065