BP - Tỉnh Cà Mau có 254km bờ biển, vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền rộng hơn 71.000km2. Đây là một trong những vùng biển có tiềm năng hải sản rất đa dạng và phong phú của Tổ quốc. Hệ thống đảo của Cà Mau gồm các cụm đảo nổi tiếng như: Cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc… Các cụm đảo này vừa có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc gia vùng trời, vùng biển và ven bờ biển của đất nước; vừa là thắng cảnh hấp dẫn, lại chứa đựng các di tích lịch sử nên có tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch sinh thái biển, đảo ở Cà Mau.
Tượng đài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên đảo Hòn Đá Bạc - Ảnh: internet
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu về cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối. Sẽ là thiếu sót nếu chúng tôi không nói đến cụm đảo Hòn Đá Bạc.
NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA HÒN ĐÁ BẠC
Đến trung tâm thành phố Cà Mau, theo tỉnh lộ băng qua rừng U Minh, (quê của bác Ba Phi) khoảng hơn 40 cây số nữa, chúng ta sẽ đến một cụm đảo đẹp và kỳ thú với nhiều nét hoang sơ. Đây là một cụm đảo nằm nhô cao khoảng 50m so với mặt nước biển, gồm 3 hòn liền nhau là Hòn Trọi, Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc. Cụm đảo này có tổng diện tích khoảng 6,4 ha, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Hòn Đá Bạc ngoài khung cảnh vẫn còn đậm nét hoang sơ, xung quanh có nhiều tảng đá nối liền, cây cối rậm rạp bao phủ một màu xanh. Do nhiều tảng đá chất chồng lên nhau từ hàng trăm năm trước, nên dân gian gọi là Hòn Đá Bạc. Đá ở đây được cấu tạo từ đá granit, những dãy đá già chen lẫn các hòn sỏi non. Đá như được thiên nhiên tạo thành những hình thù kỳ lạ, nên người ta đặt tên là Sân tiên, Giếng tiên, Bàn chân tiên... đi cùng với nhiều câu chuyện huyền thoại. Nhìn từ xa, Đá Bạc giống như một hòn non bộ nằm giữa trời biển bao la. Ở Hòn Đá Bạc có hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là điểm đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng Cà Mau. Ngoài sự hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, Hòn Đá Bạc còn có nguồn hải sản dồi dào. Du khách đến đây, có thể câu cá nâu, câu mực, tôm; cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước...
DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA
Hòn Đá Bạc không chỉ có vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân vùng biển, mà còn in đậm những trang sử hào hùng của quân và dân ta. Ngày 7-12-1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã làm cho một trung đội pháo binh của địch với cụm pháo 105 ly đặt trên hòn đảo tháo chạy, góp phần đánh bại âm mưu bình định của Mỹ - ngụy và giải phóng hoàn toàn Hòn Đá Bạc. Hòn Đá Bạc là nơi diễn ra Chuyên án CM12 kéo dài 4 năm. Ngày 25-5-1981 kết thúc chuyên án, đập tan âm mưu của bọn phản quốc, lập nên chiến công vang dội của ngành an ninh. Thắng lợi của chuyên án đã đánh bại cuộc xâm nhập trái phép, hoạt động phá hoại của bọn lưu vong sống ở nước ngoài kết hợp với các thế lực thù địch trong nước do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chuyên án CM12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và bố trí lực lượng đấu tranh của ngành An ninh Việt Nam. Trên đảo vẫn còn đó bia kỷ niệm chiến tích của quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng và cụm tượng đài chiến thắng “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” để mãi khắc ghi chiến công của quân và dân ta nói chung và của ngành an ninh nói riêng.
Đặc biệt hơn, nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển. Trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Đền thờ với kiến trúc thô sơ, ghi lại một câu chuyện về loài cá voi cứu người bị nạn. Hằng năm cứ vào ngày 23-5 âm lịch, cư dân vùng này, kể cả người đang đánh bắt cá ngoài biển khơi đến, khách du lịch các nơi đổ về Hòn Đá Bạc dự lễ hội Nghinh Ông. Tháng 6-2009, Hòn Đá Bạc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.(*)
Trung Lương
(*) Bài viết tham khảo tài liệu camau.gov.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065