Di chúc của Bác nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ:
Bản Di chúc đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15-5-1965, nhân dịp mừng thọ 75 tuổi. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, dày 4 trang và có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 2 năm sau, tức năm 1966 và 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bổ sung vào bản Di chúc mà Người viết năm 1965. Đến năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung vào Di chúc một đoạn viết tay gồm 6 trang. Đến năm 1969, vào ngày 10-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ lời mở đầu bản Di chúc bằng một trang viết tay. Ngay ở phần mở đầu này, Người đã khẳng định quyết tâm lớn của Người và của toàn dân tộc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội năm 2002, trang 509). Từ quyết tâm đó, Người đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”, (Sđd, t12, tr 511). Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một quan điểm giành độc lập - tự do của Tổ quốc là để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. Và Người đã truyền niềm tin đó cho nhân dân qua câu thơ:
Còn non, còn nước, còn người;
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Lời dặn của Bác đối với Đảng, đảng viên:
Nói về Đảng là lời căn dặn đầu tiên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Về vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại”. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, (Sđd, t 12, tr 510).
Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng hát bài Kết đoàn vào tối 3-9-1960 tại công viên Bách Thảo, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Đoàn kết là một nội dung tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Người tâm huyết căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, (Sđd, t 12, tr 510). Và để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, đó là đạo đức cách mạng. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt đảng. Đảng cầm quyền có sứ mạng lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, (sđd, t 12, tr 510).
Di chúc của Bác đối với đoàn viên, thanh niên:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Theo Người, đoàn viên thanh niên là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước. Trải qua thực tiễn cách mạng của nước ta, Người nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Người nhấn mạnh, thế hệ trẻ mới là người xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam. Để họ hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Người yêu cầu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.
Đối với nhân dân lao động:
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Người nêu rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”, (Sđd, t 12, tr 511). Trong Di chúc, Người cũng đã chỉ ra trách nhiệm to lớn của Đảng đối với nhân dân là “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, (Sđd, t 12, tr 511).
Đối với phong trào cộng sản thế giới:
Trước sự bất hòa đang tồn tại trong phong trào cộng sản quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất day dứt. Với trách nhiệm của người cộng sản chân chính, Người tự sự: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”, (Sđd, t 12, t 511). Đó chính là một hình thức gián tiếp Người gửi tới những người cộng sản chân chính trên thế giới về quan điểm và trách nhiệm của mình vì sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản.
Với chủ nghĩa quốc tế trong sáng và phương pháp tư tưởng tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bày tỏ “lời khuyên” hay sự nhận xét đúng sai với người này, người khác, mà Người xác định trách nhiệm của Đảng ta trước sự bất hòa ấy. Trong Di chúc, Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”. (còn nữa)
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065